Mẹ&Con - Không có thời điểm nào trong năm, phòng thờ lại trở nên quan trọng đến vậy. Năm hết Tết đến, việc trang trí phòng thờ thật đẹp mắt, trang nghiêm không chỉ giúp gia đình bạn có được những điều tốt lành đón tân Xuân mà còn khiến bạn 'ghi điểm' trong mắt mọi người – nhất là gia đình phía bên chồng. Cẩn thận khi đặt 'lộc chùa' lên bàn thờ Ý nghĩa 10 loại hoa thường chưng trong dịp Tết Bà bầu kiêng gì trong dịp Tết?

Một số “mẹo” sau đây sẽ hữu ích cho bạn đấy!

1. Đặt yếu tố “sạch” lên hàng đầu!

Ngày Tết, gia đình quây quần ở phòng thờ, thắp hương cúng lễ các bậc tiền nhân cả chục lần. Bạn không muốn mọi người cau mày khi nhận ra bàn thờ / phòng thờ không… sạch chứ? Sạch là yếu tố đầu tiên, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên. Vì vậy, ngay từ ngày giáp Tết, hãy bắt tay vào làm sạch lư hương (bỏ gần hết chân nhang cũ, thay cát bát nhang), lau chùi bụi bặm. Những bình hoa cúng, nước cúng cũng cần được thay thường xuyên trong các ngày lễ Tết.

am-cung-phong-tho-ngay-tet

>> Mẹo cho bạn:

Hãy để sẵn chổi quét, khăn lau sạch sẽ, tinh tươm ở những nơi dễ thấy ngay trong phòng thờ. Những chổi và khăn này nên được dùng riêng (không sử dụng quét, lau nơi khác). Cách đó sẽ giúp bạn thường xuyên có thể lau chùi ngay khi nhận ra từng vết bẩn nhỏ. 

Không gian thờ tự là không gian thiêng liêng trong gia đình ngày Tết. Giữ bàn thờ sạch sẽ, mát mẻ không chỉ thể hiện sự chăm sóc và tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên mà còn là sự chăm sóc đến “tâm linh” ở mỗi con người, khiến chúng ta sống tốt đẹp hơn. 

2. Luôn giữ hoa tươi

Tùy kích cỡ bàn thờ, bạn có thể chọn một bình vạn thọ nhỏ hay một cành hoa lớn. Ngoài ra, ở các góc khác trong phòng thờ, bạn có thể chưng thêm cây mai, cành quýt, chậu cúc vàng hay chậu trạng nguyên lá đỏ tùy ý thích.

Lưu ý, cây và hoa chưng trong phòng thờ nên tươi tốt, mang lại cảm giác tràn trề sức sống, phúc lộc vẹn toàn. Tránh dùng… hoa giả (cho dù đẹp đến mấy thì hoa giả vẫn làm giảm đi độ thành kính). Tránh để hoa héo tàn trong ngày Tết.

am-cung-phong-tho-ngay-tet

>> Mẹo cho bạn:

Khi mua hoa về, bạn để hẳn phần cành bên dưới của hoa vào một chậu nước lớn. Dùng dao sắc cắt ngang qua thân ở trong nước, rồi mới cắm. Tránh dùng kéo, dao cùn cắt làm dập phần thân. Khi cắt trong nước, hoa sẽ tươi lâu hơn bình thường. 

Việc bày biện hoa tươi, cây xanh với nhiều màu sắc tươi tắn khác nhau trong nhà ngày Tết mang ý nghĩa tượng trưng cho sự may mắn, nảy lộc đầu năm mới, đồng thời mang đến sức sống và sự ấm áp cho gian phòng thờ. Các loại cây, hoa thích hợp để chưng trong phòng thờ và trên bàn thờ là: Mai, đào, đồng tiền, cúc, trúc quan âm, quất, hoa trạng nguyên, lan, vạn thọ… 

3. Thắp sáng từ sáng 30 Tết

Sáng 30 Tết, việc bày biện bàn thờ Tết cần được hoàn thành. Từ lúc này cho đến hết Tết, nên giữ cho bàn thờ/phòng thờ luôn được sáng đèn (tối thiểu là các đèn bóng trang trí chớp sáng trên bàn thờ).

Trên bàn thờ ngày Tết sẽ có thêm cặp dưa hấu xanh, cặp bánh chưng hay bánh tét. Ngoài ra còn có hoa quả, nhang đèn. Bạn nên thắp hương hoặc đốt trầm hương suốt từ lúc này trở đi, để giữ cho bàn thờ luôn ấm cúng.

am-cung-phong-tho-ngay-tet

>> Mẹo cho bạn:

Lưu ý, để cẩn thận với việc cháy nổ, không nên thắp đèn dầu trên bàn thờ khi không có người ở đó. Chẳng hạn lúc cúng, bạn có thể thắp ngọn đèn dầu hoặc nến lên. Nhưng khi đã cúng xong, chỉ cần giữ sáng và ấm cho bàn thờ bằng những ngọn đèn chớp tắt trang trí, đèn bóng đỏ mà thôi.

4. Đừng quên câu đối!

Câu đối đỏ treo hoặc dán song song hai bên bàn thờ sẽ khiến không khí ngày Tết càng ấm cúng, tràn đầy. Bạn có thể chọn chính cách viết thư pháp chữ quốc ngữ, giúp con cháu dễ đọc, dễ hiểu, dễ ghi nhớ.

>> Mẹo cho bạn:

Hãy lưu lại “bộ sưu tập” nhỏ các câu đối hay ngày Tết này nhé!

– Tổ tiên công đức muôn đời thịnh.

Con cháu thảo hiền vạn kiếp vinh.

– Chúc Tết đến trăm điều như ý.

Mừng Xuân sang vạn sự thành công.

– Trời thêm tuổi mới, năm thêm thọ.

Xuân khắp càn khôn, phúc khắp nhà.

– Phúc sinh lễ nghĩa gia đường thịnh.

Lộc tiến vinh hoa phú quý xuân.

– Nhớ tổ tiên, đẹp điều nhân đức.

Tin cháu con bền sự lạ hay.

– Tân niên, hạnh phúc bình an tiến.

Xuân nhật, vinh hoa phú quý lai.

– Phúc mãn đường, niên tăng phú quý.

Ðức lưu quang, nhật tiến vinh hoa.

– Phúc đầy nhà, năm thêm giàu có.

Ðức ngập tràn, ngày một vinh hoa.

– Tiên tổ phương danh lưu quốc sử.

Tử tôn tích học hiển gia phong.

– Tiên tổ danh thơm ghi sử nước.

Cháu con tích học nổi cơ nhà.

– Đa lộc, đa tài, đa phú quý.

Đắc thời, đắc lợi, đắc nhân tâm.

am-cung-phong-tho-ngay-tet

5. Bày đúng mâm ngũ quả

Trong ngày Tết, mâm ngũ quả trên bàn thờ được đặc biệt chú ý và chăm chút. Nếu bạn mới về làm dâu năm đầu, hãy để ý hỏi han mẹ chồng thật kỹ, vì mỗi vùng miền khác nhau có một quan niệm riêng về ý nghĩa của mâm ngũ quả.

Với người miền Bắc, việc bày mâm ngũ quả mang ý nghĩa từ thuyết ngũ hành. Thông thường mâm ngũ quả gồm 5 quả có màu sắc khác nhau tượng trưng cho ước mong về sự phú quý, tài lộc và sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Trong khi đó người miền Nam lại bày mâm ngũ quả với Cầu (quả mãng cầu) – vừa (quả dừa) – đủ (quả đu đủ) – xài (quả xoài) – sung (quả sung) – mãn (quả mãng cầu) có ý nghĩa về ước mong một năm mới làm ăn đủ đầy.

Ngoài ra, có thể chưng thêm trên mâm ngũ quả Phật Thủ hay nải chuối cau như bàn tay che chở của Đức Phật cho tất cả mọi người; quả bưởi, dưa hấu thể hiện cho sự đầy đặn, trọn vẹn căng tràn sức sống. Màu sắc thắm tươi của quýt, hồng tượng trưng cho sự may mắn, phồn thịnh cát tường cũng được yêu chuộng.

am-cung-phong-tho-ngay-tet

>> Mẹo cho bạn:

Trước Tết, bạn nên tính toán để có thể mua số lượng trái cây đầy đủ, quả nào mau chín sẽ chưng, cúng trước. Quả nào có thể để vài ngày sẽ chưng, cúng sau trên bàn thờ. Nên chọn những quả có màu sắc tươi sáng, đẹp mắt như màu đỏ của táo, màu vàng của lê, màu xanh của dưa hấu, màu cam của quýt nhé!

Tags:

Bài viết liên quan