Mẹ&Con – “Nên cắt tóc máu cho con vào thời gian nào?”, “Cắt tóc máu có giúp con mọc tóc nhiều, ăn mau chóng lớn?”, “Cắt tóc máu có khiến con nói chậm?”... Đây là một số thắc mắc thường gặp của những bà mẹ nuôi con nhỏ.
Tóc máu được coi là một lớp để bảo vệ cho da đầu và thóp còn non nớt cho trẻ sơ sinh. Phong tục cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh không chỉ có ở Việt Nam, mà còn khá phổ biến ở một số nước châu Á khác. Nhiều người tin rằng tóc của trẻ sẽ mọc nhiều hơn, trẻ sẽ mau ăn chóng lớn hơn khi cắt bỏ lớp tóc đầu tiên. Thậm chí, nhiều nơi còn chọn ngày tốt để cắt tóc máu cho con. Tuy nhiên, ở số nước ở Châu Âu lại quan niệm rằng cắt tóc máu sẽ khiến bé bị chậm nói.
Khi được hỏi vấn đề này, Giáo sư Bác sĩ Lyuba Konopasek, Viện Nhi khoa New York-Presbyterian Weill Cornell Medical Center, Mỹ cho biết: “Cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe hay sự phát triển ngôn ngữ của bé”. Điều các bậc phụ huynh nên quan tâm là tính chất nguy hiểm của thao tác cắt tóc vì lớp da đầu của bé còn rất mỏng, dễ bị tổn thương nếu không cẩn trọng.
Việc tóc mọc dày hay thưa ở trẻ sơ sinh đều do yếu tố di truyền quyết định. Việc cắt tóc hay cạo trọc đầu của bé đều không liên quan đến lần sau tóc bé có mọc dày hay không. Da đầu của bé sẽ dễ bị tổn thương nếu không có tóc che chở. Cha mẹ nên chú ý thời điểm nào cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh là thích hợp nhất.
Nên cắt tóc cho con vào thời điểm nào?
Không nên cắt tóc máu khi thóp bé chưa liền. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia khoa nhi, việc cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh là không an toàn. Họ khuyến khích các bà mẹ nên cắt tóc khi bé được hơn một tuổi, vì lúc này thóp của bé mới bắt đầu liền lại, việc cắt tóc máu mới được xem là an toàn. Ngoài thao tác cắt tóc có thể tổn thương da đầu bé thì việc cắt đi lớp tóc máu, làm tóc bé mỏng hơn không có lợi cho việc giữ ấm thóp.
Tốt nhất, lần đầu tiên “xuống tóc” của bé nên là khi chúng có thể tự điều khiển tốt việc nâng đầu, khi mẹ cho bé ngồi trên đùi. Mỗi trẻ sẽ có những mốc thời gian khác nhau, nhưng trung bình khoảng từ 3 – 4 tháng tuổi là thời điểm bé có thể phát triển kỹ năng giữ đầu thẳng và tốt.
Trên thực tế, lớp tóc máu của bé sẽ tự rụng để mọc lên lớp tóc mới nên việc cắt tóc máu cho trẻ thật sự không quá cần thiết. Nếu như mẹ thấy tóc con mình quá dày, để tránh bã nhờn tiết ra gây khó chịu hoặc dễ dẫn đến viêm da, mẹ có thể thể cắt tóc máu cho trẻ và tốt nhất là nên cắt tóc vào mùa hè.
Ngoài ra các mẹ có thể cắt tóc lần đầu tiên cho bé khi da đầu bé có vấn đề, chẳng hạn bị khô, ngứa, bị mẩn đỏ. Tuy nhiên, vẫn nên lưu ý là không nên cắt tóc khi trẻ chưa được 5 tháng và khi thóp chưa liền. Không nên cắt quá ngắn, nên chừa lại khoảng 1cm tính từ phần da đầu.
Những lưu ý khi cắt tóc lần đầu cho bé:
Không nên cắt tóc máu cho bé dưới 5 tháng tuổi. (Ảnh minh họa)
– Không cắt khi bé đang ngủ vì rất nguy hiểm nếu bé thức giấc và cảm thấy không thoải mái.
– Khi cắt không nên quá chăm chút, tỉa tỉ mỉ vì bé sẽ không đủ kiên nhẫn. Bé có thể quấy phá nên các mẹ nên cắt nhanh gọn cho bé, tốt nhất cha mẹ nên đưa bé đi cắt tóc ở những nơi chuyên cắt cho trẻ.
– Không cắt tóc cho bé khi bé mới hết bệnh hoặc đang không khỏe (dù bé chỉ mệt mỏi hoặc cảm nhẹ).
– Không sử dụng kéo hay những vật dụng sắt, nhọn dễ tổn hại cho bé. Nên dùng tông đơ chuyên dụng cắt tóc cho trẻ em. Thiết kế gọn, nhẹ, không gây tiếng ồn, chạy bằng pin để di chuyển theo tính hiếu động của bé.
– Không dùng dao cạo tóc cạo/cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh. Nên sử dụng kéo chuyên dụng cắt tóc cho trẻ em, thiết kế đầu nhọn bằng nhựa đảm bảo an toàn khi sử dụng.
– Sau khi cắt xong, nên tắm bé bằng nước ấm để trôi đi những vụn tóc còn bám trên người bé.
Trên đây là một số kinh nghiệm bổ ích mà Mẹ&Con muốn gửi đến cho các mẹ. Mẹ nên nhớ hai điều quan trọng nhất khi cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh, đó là là không cắt tóc cho trẻ lúc trẻ chưa đủ 5 tháng và khi thóp chưa liền nhé!
Lê Vi