Mẹ&Con – Trẻ nhỏ khóc đêm không phải là bệnh lí, nếu muốn khắc phục được tình trạng này cha mẹ cần tìm đúng nguyên nhân khiến trẻ hay quấy khóc.
Trẻ nhỏ khóc đêm là một trong những hiện tượng thường gặp ở hầu hết trẻ sơ sinh. Ban ngày, trẻ vẫn ngủ bình thường nhưng đêm đến lại khóc thét, quấy phá không chịu ngủ. Điều này khiến mẹ rất lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của con.
Để giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức về chứng khóc đêm, cũng như nên làm gì khi tình trạng trẻ nhỏ khóc đêm xảy ra đối với con mình, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây của Mẹ&Con!
Trẻ nhỏ khóc đêm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn tâm lý của những người khác trong gia đình do phải thức đêm dỗ con. Nguyên nhân do đâu?
Trẻ quấy khóc vào ban đêm, khiến bậc phụ huynh lo lắng. ( Ảnh minh họa)
1. Do trẻ bị mọc răng
Giai đoạn từ 6 – 8 tháng tuổi trẻ sẽ bắt đầu mọc răng và hoàn thiện hàm răng cho đến khi được 3 tuổi. Quá trình mọc răng, trẻ phải đối diện với rất nhiều vấn đề như : Sốt, đau răng, sưng lợi, ho, chảy nước dãi, trẻ kém ăn, trẻ mọc răng quấy khóc về đêm… thậm chí có thể gặp cả những vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa như bệnh tiêu chảy.
Tuy nhiên, không phải trẻ nào mọc răng cũng quấy khóc khó chịu mà còn phụ thuộc vào tùy từng giai đoạn. Cha mẹ cần quan sát kỹ từ đó có những cách dỗ dành bé như: Hát ru cho bé ngủ, vỗ về bé nhiều hơn… Mọc răng khiến trẻ khó chiu, quấy khóc. (Ảnh minh họa)
2. Do trẻ bị đầy bụng, chướng bụng hoặc đau bụng
Với trẻ nhỏ, do hệ tiêu hóa còn non yếu nên rất dễ mắc các chứng bệnh như đau bụng, chướng bụng, đầy bụng… Trẻ còn nhỏ, chưa biết nói nên chỉ có thể giải tỏa những bức bối này qua tiếng quấy khóc.
Nhiều phụ huynh do không biết cách, cho trẻ ăn dặm sớm (trước 5 – 6 tháng tuổi), ăn cơm sớm (khi chưa mọc đủ răng hàm), hoặc ăn các thức ăn mà cơ thể trẻ chưa đủ men để tiêu hóa. Điều này khiến thức ăn chưa tiêu hóa hết ứ đọng trong đường ruột của bé, bị vi khuẩn lên men và sinh ra nhiều hơi (khí) dẫn đến bụng chướng căng. Tương tự, tiếng khóc cũng là thông điệp truyền tải sự khó chịu của chúng tới người lớn.
3. Bất thường về chức năng não
Trẻ nhỏ khóc đêm cũng có thể là biểu hiện của một loại bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của não bộ. Phải có thêm rất nhiều thông tin, cũng như xét nghiệm cần thiết mới có thể chẩn đoán chính xác tình trạng này.
Hệ thần kinh của trẻ rất non nớt và dễ bị căng thẳng bởi các yếu tố bất lợi của môi trường xung quanh. Khi bị căng thẳng thần kinh, biểu hiện đầu tiên mà cha mẹ thường gặp nhất đó là trẻ quấy khóc dai dẳng, không ngừng. Nếu hiện tượng này lặp lại liên tục và trẻ có những biểu hiện lạ, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở uy tín để bác sĩ có lời khuyên tốt nhất.
4. Tiểu dầm
Trong lúc ngủ, do tã lót ướt sũng vì nước tiểu khiến cho bé cảm giác ngủ không ngon giấc, khó chịu, lăn qua lăn lại và quấy khóc. Mẹ đừng nghĩ rằng bé còn nhỏ thì không cảm nhận được việc tã lót đã bị bẩn, hay có vật gì làm bé ngứa ngáy. Bé thích sự khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát nên mẹ đừng quên thay tã lót cho con nếu bị bẩn nhé.
Hãy theo dõi và thay tã cho bé kịp thời, trước khi ngủ khoảng nửa tiếng. Không nên cho bé uống quá nhiều nước, nếu không về đêm trẻ sẽ tiểu nhiều lần, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu mẹ đã nắm rõ quy luật tiểu đêm của bé, hãy chủ động thay tã, bỉm cho trẻ. Điều này sẽ giúp bé ngủ ngon giấc hơn.
5. Bé bị nghẹt mũi
Mẹ để ý, ở những năm tháng đầu đời trẻ hay bị nghẹt mũi và thường thở bằng miệng. Việc hít thở bằng miệng khiến không khí khô bên ngoài tác động vào cổ họng, khiến bé bị khô họng dẫn đến ho khan. Cảm giác khó chịu này cũng sẽ làm bé không ngủ ngon giấc và là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc trẻ nhỏ khóc đêm.
Trẻ thường xuyên quấy khóc vào ban đêm nguyên nhân do đâu? (Ảnh minh họa)
Để khắc phục hiện tượng này, mẹ có thể dùng các loại thuốc rửa mũi sinh lý làm sạch mũi bé. Làm mềm vảy mũi, làm sạch bộ phận xoang mũi sẽ giúp bé hít thở dễ dàng và ngủ ngon giấc.
6. Nhiệt độ phòng ngủ quá nóng hoặc quá lạnh
Nhiệt độ phòng ngủ của bé phải được điều chỉnh sao cho thích hợp, không nên quá nóng hoặc quá lạnh. Nên mắc áo ấm hơn là đắp chăn mền, bởi khi ngủ bé hay đạp bỏ mền nên sẽ dễ bị cảm lạnh, ngủ không được ngon giấc. Nhiệt độ phòng lý tưởng phù hợp cho bé nhất nằm trong khoảng 27 độ C.
7. Hoạt động quá mức
Trẻ còn nhỏ, hệ thống thần kinh phát triển chưa hoàn thiện, khả năng ức chế còn kém… do đó nếu ban ngày trẻ có những hoạt động quá sức, ban đêm khi đi ngủ não bộ vẫn còn ở trạng thái hưng phấn. Điều này dẫn tới tình trạng đột nhiên la khóc khi đang ngủ.
Gọi nôm na, hiện tượng này xảy ra giống như bé gặp phải ác mộng. Vì thế, nhằm bảo đảm trẻ ngủ tròn giấc thì ban ngày mẹ không nên để con hoạt động, vui chơi quá mức khiến não bộ đạt mức hưng phấn cực độ.
8. Trẻ thiếu canxi
Thiếu canxi cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ nhỏ khóc đêm. Trường hợp này, bé có thể xuất hiện một số dấu hiệu đi kèm như: Chậm mọc răng, hay đổ mồ hôi trộm, tóc rụng hình vành khăn…
Thiếu canxi hoặc vitamin không những khiến trẻ nhỏ khóc đêm mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức, chiều cao, cân nặng của cơ thể. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho con dùng canxi dạng nano. Canxi dạng này có kích thước siêu nhỏ, giúp cơ thể bé hấp thụ tối đa, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu phát triển giúp bé ngủ ngon giấc, không bị giật mình, quấy khóc.
Cần làm gì khi trẻ nhỏ thường xuyên khóc đêm?
Nếu trẻ nhỏ khóc đêm do một trong các nguyên nhân được liệt kê ở bên trên (quá nóng, quá lạnh, đau bụng, ngủ mơ…) thì cha mẹ không nên quá lo lắng. Chỉ cần khắc phục những điều cơ bản này, trẻ sẽ ngủ ngon trở lại.
Ngược lại, nếu nguyên nhân không phải các dấu hiệu trên mẹ cần để ý khi ngủ trẻ có ngáy không, có bị co giật, mộng du, hoảng sợ không? Trẻ khóc nhỏ hay khóc thét…? Nếu có điều kiện, nên cho con đi xét nghiệm các yếu tố vi lượng như magie, canxi, kẽm hay làm siêu âm thóp hoặc điện não đồ để có thêm kết quả. Khi cho con đi khám, nên trao đổi kỹ với bác sĩ để có chế độ điều trị phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng vì rất có thể trẻ có vấn đề với hệ thần kinh.
Để hạn chế tình trạng trẻ nhỏ khóc đêm, phụ huynh cần lưu ý những điều sau:
– Nên ở bên cạnh và quan sát giấc ngủ của bé. Chỉ khi nào bé bật khóc hoặc cử động mạnh, lúc đó cha mẹ mới nên dỗ dành và cho con bú.
– Không để đèn sáng khi bé ngủ. Ánh sáng tạo cho mắt bé cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ, dễ gây hiện tượng trẻ nhỏ khóc đêm.
Mẹ chăm sóc, theo sát bé để hạn chế tình trạng quấy khóc đêm (Ảnh minh họa)
– Không quấn bé quá chặt trong chăn, tránh khi ngủ bé bị toát mồ hôi hay thậm chí bị cảm lạnh do mồ hôi ngấm ngược lại vào người qua lỗ chân lông.
– Chỉ cho bé chơi sau khi bú mẹ tối thiểu 15 phút. Cho bé nghe nhạc để bé ý thức được đây là “thời gian giải lao” của mình.
– Hạn chế cho bé nằm trên tay mẹ, nên đặt bé xuống giường hoặc nôi khi vừa thiu thiu ngủ. Khi đặt xuống, vịn hai tay lại để bé không bị giật mình, giữ một lúc mới thả ra.
– Bổ sung vitamin D, canxi để phòng ngừa bệnh còi xương, quấy khóc về đêm cho bé. Mẹ có thể bổ sung canxi qua nhiều nguồn như thực phẩm, thuốc hoặc các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Ngọc Xuân