Mẹ&Con – Nhiều mẹ thấy loay hoay không biết làm thế nào để con không ngủ khi đang bú thì có thể tham khảo một số mẹo hiệu quả dưới đây.
Thông thường nếu các mẹ để ý thì có thể thấy rằng lúc bú mẹ là lúc bé rất dễ rơi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ các bé nhiều khi ngủ khi bú chưa được 10 phút khiến các mẹ thường lo ngại rằng bé chưa nhận được đủ lượng sữa cần thiết.
Theo chuyên gia tư vấn về sữa mẹ Pamela Lim, dòng sữa chảy ra trong khoảng thời gian đầu khi bé bú là sữa đầu cữ bú (foremilk). Khi bé tiếp tục bú, thành phần chất béo trong sữa sẽ tăng dần và dòng sữa chảy về sau được gọi là sữa cuối cữ bú (hindmilk). Pamela cho biết đây là lý do vì sao tốt nhất là bé nên bú đủ trước khi ngủ hay chuyển sang bầu vú khác để đảm bảo có thể tăng cân. Ở mỗi bầu vú, thời gian bú lý tưởng nên dao động từ khoảng 15 đến 20 phút.
Lúc bú mẹ là lúc bé rất dễ rơi vào giấc ngủ.
Có rất nhiều lý do giải thích lý do vì sao các bé lại thường ngủ trước khi hoàn toàn bú no và đủ. Đó có thể là do lúc nằm trong vòng tay mẹ bú khá giống như môi trường khi còn nằm trong bụng mẹ giúp bé dễ rơi vào giấc ngủ, do bé dễ bị mệt và trước khi bú có thể đã quấy khóc nhiều hay cũng có thể do những tình trạng y tế như bệnh vàng da, nhiễm trùng hay cắt bao quy đầu.
Vậy đâu là những cách giữ cho bé thức khi bú?
1. Đừng khiến bé cảm thấy quá thoải mái: Bà Pamela khuyên các mẹ không nên để bé cảm thấy quá ấm áp và thoải mái khi bú. Nếu bé được quấn kỹ càng, hãy bỏ bớt ra, bỏ bao tay ra và xoa bàn tay bé. Mẹ cũng có thể cù nhẹ má bé hay đứng dậy và đi lại để giữ bé tỉnh hoặc cù, mát xa lưng và chân bé.
2. Thỉnh thoảng ngăn dòng chảy sữa lại: Có một phương pháp khá hay ho mà các mẹ có thể áp dụng đó chính là đặt ngón tay ở giữa bầu vú và miệng con để ngăn dòng chảy sữa ra. Khi bé cảm nhận là bầu vú của mẹ bị đưa ra, điều đó sẽ khuyến khích bé bú lại một lần nữa.
Thỉnh thoảng mẹ nên vỗ ợ hơi cho bé hay nói chuyện nẹ nhàng.
3. Vỗ nhẹ hoặc nói chuyện với bé: Hãy bế bé dựng thẳng để nhẹ nhàng nói chuyện với con hoặc vỗ ợ hơi cho con. Các mẹ có thể làm như vậy khi bé đã bú trong ít nhất 15 phút ở mỗi bên vú.
4. Cho một vài giọt sữa lên môi bé: Mẹ có thể nhẹ nhàng cho một vài giọt sữa lên khóe miệng hoặc trên môi để khuyến khích con bú tiếp.
5. Thử một tư thế cho bú khác: Hãy thử đặt trẻ ở một tư thế “ít gây buồn ngủ” hơn, ví dụ như tư thế ôm giữ bóng hoặc giữ bé ngồi thẳng. Tư thế nằm nghiêng cho bú hay tư thế cái nôi có thể khiến bé buồn ngủ nhanh hơn.
Tư thế ngả lưng về phía sau hay cho bé ngồi thẳng như thế này sẽ giúp bé đỡ buồn ngủ hơn.
6. Lau rửa cho bé: Lau đầu, bụng hay chân bé với miếng khăn ẩm để nhẹ nhàng đánh thức bé.
7. Thay tã: Khi bạn để ý thấy con bắt đầu buồn ngủ, hãy thay tã hoặc đổi bên cho con bú.
8. Giảm độ sáng trong phòng: Mắt của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với ánh sáng. Hãy giảm nhẹ độ sáng trong phòng trước khi cho con bú bởi ánh sáng chói có thể khiến bé nhắm mắt.
Theo Helino