Mẹ&Con – Với rất nhiều bà mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ thật sự là “cực hình” vì bé yêu có sở thích “ngoạm”
ti mẹ đau điếng. Vì sao lại như thế và có cách nào để khắc phục tình trạng này? Mời bạn cùng
tìm hiểu với Mẹ&Con!

Nguyên nhân khiến bé thích… cắn ti mẹ

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho bé thích cắn ti mẹ. Điều này không chỉ làm tổn thương ngực của mẹ, gây viêm nhiễm, ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ mà còn có tác động xấu đến sức khỏe của bé khi việc bú mẹ có thể bị dừng lại hoặc ngưng hẳn. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do:

1. Bé mọc răng

Sự xuất hiện của “người bạn mới” này khiến cho bé cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy và thậm chí là còn bị sưng tấy vùng nướu. Những cơn đau này có thể là quá sức đối với bé. Chính vì thế, bé tìm cách giải tỏa sự đau đớn bằng cách nhai bất kỳ thứ gì xung quanh mình và ti mẹ là một trong những lựa chọn hàng đầu của bé vì chúng mềm và mang đến sự thoải mái khi cắn.

Phải làm sao khi bé yêu... hay cắn ti mẹ? 6

(Ảnh minh họa)

2. Bé thiếu sữa

Do tác động của những yếu tố như sức khỏe, tâm lý, sự tiết sữa của người mẹ không ổn định hay xuống chậm quá mức. Tình trạng này khiến bé “nổi cáu” và sinh ra phản ứng gay gắt là cắn mẹ, nhất là khi bé đang bị mệt hay đói.

3. Bé căng thẳng

Bạn nghĩ bé yêu của mình có bị căng thẳng không? Thực tế, các nghiên cứu khoa học cho thấy bé yêu cũng có thể bị stress. Điều đáng nói ở đây là bé quá nhỏ nên không biết cách giải tỏa căng thẳng mà chỉ thể hiện qua hành động quấy khóc, phát ra tiếng kêu. Đôi khi, mẹ cũng có thể thấy bé đỏ mặt, quẫy đạp nhiều… Những lúc thế này, bé sẽ dễ cắn ti mẹ để bày tỏ cảm giác khó chịu của mình.

4. Bé đã no

Tương tự như với lúc đói, khi quá no bé cũng không có nhu cầu ti mẹ nữa. Tuy nhiên, một số mẹ lại không “hiểu ý” nên cứ ép bé bú thêm hoặc cho bé bú khi sữa cũ còn chưa kịp tiêu hết. Từ đó sinh ra những phản ứng gay gắt của bé và đơn cử ở đây là hành động ngậm chặt ti mẹ để “chống” lại việc phải nạp thêm sữa.

5. Bé mất tập trung

Thông thường, tình trạng này sẽ diễn ra khi bé của bạn đạt 2 tháng tuổi trở lên. Lúc này, bé đã biết bày tỏ sự quan tâm của mình với những sự việc đang diễn ra xung quanh. Do đó, khi có tiếng động hay có người làm bé chú ý, bé sẽ phân tán sự tập trung vào việc bú mẹ và đùa giỡn. Thỉnh thoảng, trong những lúc quá phấn khích, bé có thể cắn ti mẹ như một cách đùa giỡn.

Phải làm sao khi bé yêu... hay cắn ti mẹ? 7

(Ảnh minh họa)

6. Bé không khỏe

Những khi mệt mỏi, bạn sẽ không thiết gì ăn uống. Bé yêu cũng vậy. Khi phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe, bé cảm thấy rất uể oải, khó chịu. Trong tình trạng này, bé sẽ không thể nào thoải mái tận hưởng dòng sữa mẹ ngọt ngào. Chính vì thế, bé không “hợp tác” khi bú mẹ.

7. Bé bú sai khớp ngậm

Khi bị sai khớp ngậm, bé sẽ ngậm ti nông bằng môi gập lưỡi lại. Tư thế này khiến bé rất vất vả khi bú nên phải mút thật mạnh mới có sữa về. Bên cạnh đó, tư thế ôm bé chưa chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé khó ngậm núm ti. Cả hai sai lầm này đều khiến bé gặp khó khăn khi bú nên phải mút mạnh, thậm chí là cắn ti vì không đạt được sự hài lòng trong quá trình bú mẹ.

“Trị” dứt điểm chứng hay cắn ở bé

Với những bé thường xuyên cắn ti mẹ, các bác sĩ chuyên khoa sơ sinh khuyên mẹ thực hiện theo
hướng dẫn sau đây:

Điều chỉnh tư thế của mẹ và con khi bú

Đây là một trong những điều cơ bản nhất mà bạn cần phải quan tâm đầu tiên để ngăn ngừa tình trạng bé cắn ti mẹ. Trước tiên, bạn cần phải điều chỉnh lại tư thế bằng cách ôm bé thật gần, đặt ngực bé áp sát ngực mẹ, cằm cắm vào đầu vú mẹ, đầu bé ngửa ra cho góc giữa cổ và cằm là 140 độ. Chờ bé há miệng, lưỡi đưa về phía trước, bạn đặt vú vào, sao cho đầu vú hướng lên thẳngvòm miệng, bé ngậm nhiều quầng vú dưới hơn quầng vú trên. Bằng cách này, bé sẽ tiếp xúc với bầu ngực mẹ một cách thật nhẹ nhàng và đón nhận dòng sữa dễ dàng hơn.

Giữ cho tinh thần của bé thoải mái

Tâm trạng không thoải mái chính là nguyên nhân khiến cho bé không hứng thú với việc bú mẹ hoặc có những phản  ứng thái quá để giải tỏa sự căng thẳng. Để giải quyết triệt để tình trạng này, bạn nên tạo cảm giác vui vẻ, phấn khởi. Trước và trong quá trình bú, mẹ nên dành thời gian trò chuyện, vỗ về và âu yếm con. Cách làm này giúp bạn cảm thấy yên tâm và vui vẻ hơn khi bú.

Tuy nhiên, có một điều mẹ cần lưu ý là mục tiêu của những việc làm trên là tạo cho bé sự thích thú khi bú mẹ, chứ không phải đùa giỡn quá mức khiến bé mất tập trung vào việc bú mẹ.

Phải làm sao khi bé yêu... hay cắn ti mẹ? 8

(Ảnh minh họa)

Chọn không gian phù hợp để cho bé bú

Trẻ nhỏ dễ bị thu hút bởi âm thanh, ánh sáng, màu sắc hay những người lạ. Do đó, để bé hoàn toàn tập trung khi bú mẹ, hạn chế tình trạng bị phân tâm, bạn nên chọn một không gian yên tĩnh hơn một chút để cho bé bú. Tốt nhất phải là nơi có ánh sáng vừa phải, không quá ồn ào hay nhiều người qua lại.

Nếu được, bạn có thể bật một chút nhạc thật nhỏ để cả hai mẹ con cùng nghỉ ngơi và tận hưởng thời gian hết sức đặc biệt này.

Chăm sóc sức khỏe của bé thật tốt

Mọc răng, nghẹt mũi… cũng khiến bé dễ cắn mẹ vì cảm thấy mệt mỏi và khó hợp tác với mẹ. Lời khuyên dành cho mẹ là hãy thường xuyên quan tâm đến những thay đổi về mặt sức khỏe của con. Nếu bé đang mọc răng và bị cảm giác đau đớn hành hạ, bạn nên dùng gạc mềm thấm nước muối vệ sinh nướu để răng phát triển thuận lợi, tránh tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra, bạn có thể dùng các dụng cụ hỗ trợ cho bé khi mọc răng như gặm nướu lạnh hay thức ăn mát để nướu được xoa dịu, mang đến cảm giác dễ chịu.

Trong tình huống bé gặp các vấn đề khác về sức khỏe như cảm cúm, nghẹt mũi, bạn cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn điều trị kịp thời, giúp cho quá trình nuôi con bằng sữa mẹ không bị gián đoạn.

Đảm bảo nguồn sữa dồi dào cho bé

Khi nuôi con bằng sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng của bạn rất quan trọng. Điều này không chỉ quyết định chất lượng sữa mà còn giúp duy trì quá trình nuôi con bằng sữa mẹ một cách suôn sẻ.

Bài viết liên quan