Mẹ&Con – Xuất phát từ truyền thống của người Maori ở New Zeanland, trào lưu liên sinh được rất nhiều bà mẹ phương Tây áp dụng. Liệu chúng có thật sự bảo vệ được trẻ khi rời khỏi bụng mẹ và thông minh khi trưởng thành hay tiềm ẩn vô vàn nguy hiểm cho bé? Mời bạn cùng khám phá!

Liên sinh là gì?

Phương pháp liên sinh có tên là Lotus Birth, bắt nguồn từ truyền thống trân trọng nhau thai và dây rốn của thổ dân Maori, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1970. 4 năm sau, một bác sĩ áp dụng thành công cho cậu con trai nhỏ của mình và được nhiều người biết đến.

Theo Daily Mail, trào lưu liên sinh được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2008 và đã phải ngừng lại vì vấp phải quá nhiều ý kiến trái chiều.

Để thực hiện phương pháp liên sinh này, sau khi sinh con, người ta sẽ giữ lại toàn bộ phần bánh nhau và đặt trong một chiếc túi nhỏ. Tùy theo yếu tố môi trường, nhiệt độ xung quanh, cuống rốn của trẻ sẽ rụng trong thời gian từ 3-10 ngày. Suốt khoảng thời gian này, bánh nhau sẽ được sát trùng bằng muối, ướp thảo dược lên bánh nhau và vệ sinh túi vải này mỗi ngày.  Mẹ đã hiểu rõ về phương pháp liên sinh - sinh con thuận tự nhiên chưa? 6

(Ảnh minh họa)

Vì sao phương pháp này xuất hiện? 

Như bạn đã biết, xung quanh việc gìn giữ bánh nhau và cuống rốn có rất nhiều quan niệm có liên quan. Ở Việt Nam cũng từng có ý kiến cho rằng, nếu cất cuống rốn của trẻ gần một chiếc đèn, treo về hướng mặt trời mọc hay chôn xuống đất trẻ sẽ thông minh, giỏi giang và thành đạt sau này. Đặc biệt, nếu chôn chung cuống rốn của các con, anh em sẽ rất yêu thương nhau…

Lại nói về trào lưu liên sinh, những người thực hiện phương pháp này có một niềm tin rằng khi để nhau thai tự rụng, trẻ sẽ được kết nối với mẹ nhiều hơn, nhất là không làm đau trẻ vì thủ thuật cắt cuống rốn. Trong những khoảnh khắc đầu tiên rời khỏi bụng mẹ, trẻ còn được bảo vệ bởi máu và các chất dinh dưỡng được truyền từ nhau thai. Vì thế, khả năng tránh được những bệnh nguy hiểm như nhiễm trùng, vàng da… của trẻ sẽ cao hơn.

Quy trình lưu giữ nhau thai theo phương pháp liên sinh:

Bước 1: Lấy nhau thai ra ngoài và để khô tự nhiên trong khoảng 24 giờ

Bước 2: Cho nhau thai vào túi lụa cùng với muối, hương thảo khô, hoa oải hương

Bước 3: Hàng ngày vệ sinh túi đựng nhau thai, thay muối

Bước 4: Khi nhau thai khô hoàn toàn, cuống rốn rụng tự nhiên có thể mang đi chôn

Hiểm họa từ trào lưu liên sinh

Nhau thai là một cơ quan hết sức đặc biệt, được hình thành duy nhất trong giai đoạn mang thai bởi 50% tế bào của mẹ và 50% tế bào của bé. Với vai trò trung gian trong việc truyền dưỡng chất từ mẹ sang con, nhau thai nặng bằng 1/6 trọng lượng của bé và còn giữ nhiệm vụ đào thải độc tố, bảo vệ thai nhi khỏi nhiễm trùng…

Từ những đặc điểm trên, nhiều người cho rằng việc giữ lại nhau thai khi con chào đời để bảo vệ sức khỏe và mang đến sự thông minh cho bé yêu. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia về sức khỏe sinh sản trong nước và cả nước ngoài lên tiếng phản đối phương pháp liên sinh này vì những lý do như sau:

  • Bé dễ bị nhiễm trùng:

Bác sĩ Jennifer Gunter, một chuyên gia sản phụ khoa nổi tiếng ở San Francisco cho biết “việc kết nối đứa bé mới sinh với một túi mô đang bị phân hủy có thể gây ra nhiễm trùng rất nguy hiểm”. Đồng quan điểm đó là bác sĩ Amy Tuteur, giáo sư chuyên về phụ khoa tại trường Y khoa Harvard. Bà cho rằng, đây là một phương pháp “quá lạ” và cho đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh phương pháp liên sinh sẽ mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe cho trẻ. Bởi lẽ, khi tách ra khỏi cơ thể người mẹ, nhau thau đã là một tế bào chết. Vì thế, việc nó cung cấp chất dinh dưỡng cho bé là điều hoàn toàn không thể xảy ra.

Hơn nữa, đây còn là một môi trường cho vi khuẩn, vi trùng sinh sôi, nảy nở trong các mô chết và môi trường máu đọng. Chúng chính là nguyên nhân khiến cho bé dễ bị nhiễm khuẩn thông qua đường lây truyền là dây rốn, trong khi bản thân lại chưa đủ sức khỏe để chống lại với các tác nhân nguy hiểm bên ngoài.

  • Khó khăn trong việc chăm sóc

Khi bạn áp dụng phương pháp liên sinh, dây rốn và bánh nhau sẽ tiếp tục được giữ lại cho đến lúc khô đi và rụng hoàn toàn. Khoảng thời gian này có thể mất đến 10 ngày sau khi bé chào đời. Trong suốt thời gian kể trên, bé luôn phải “kè kè” túi vải chứa bánh nhau bên mình nên sẽ rất khó khăn khi lau người và cả tắm rửa. Mẹ không thể di chuyển bé thường xuyên vì có thể làm động bánh nhau. Đồng thời, mẹ cần phải tuyệt đối không để bánh nhau bị ẩm ướt. Nếu để nước dính vào túi nhau thai sẽ khiến cho việc bảo quản khó khăn và dễ gây nguy hiểm cho bé do vi sinh vật nhanh chóng phát triển trong đó truyền qua bé.

Mẹ đã hiểu rõ về phương pháp liên sinh - sinh con thuận tự nhiên chưa? 7

Phương pháp liên sinh ẩn chứa rất nhiều hiểm họa. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, việc bảo quản bánh nhau trong môi trường tự nhiên là điều không dễ dàng, nhất là khi nước ta ở vùng nhiệt đới, luôn nóng và nhiều độ ẩm. Để đối phó với tình trạng này, có người còn cho rằng nên cho bánh nhau vào thùng xốp để giữ nhiệt độ ổn định, tránh hiện tượng phân hủy. Từ đó có thể thấy, ngoài lý do chăm sóc bánh nhau rất khó khăn thì việc thay túi vải, ướp muối và tinh dầu hàng ngày cũng khiến bạn mất nhiều thời gian và điều này là không thật sự cần thiết khi có quá nhiều điều để quan tâm cho trẻ.

  • Gây mùi khó chịu

Bánh nhau sau khi rời khỏi cơ thể mẹ khoảng 3 phút là đã ngừng hoạt động, máu không còn lưu thông. Do đó, chúng gần như đã là những tế bào “chết”. Nếu bạn vẫn cố gắng tiếp tục giữ lại sau khi sinh, lượng máu dồi dào còn trong nhau thai chính là nơi lý tưởng cho các loại vi khuẩn trú ngụ. Đây là nguyên nhân khiến chúng sản sinh nhiều mùi khó chịu.

Song song đó, để thực hiện phương pháp liên sinh này, người ta phải dùng muối và tinh dầu thơm để ngăn sự phát triển của vi khuẩn và khử mùi. Điều này khiến bạn vô tình mang rất nhiều mùi lạ đến gần bé. Chúng sẽ khiến bé và cả bạn cảm thấy khó chịu. Thậm chí, những mùi hương không rõ nguồn gốc đều được điều chế từ các chất hóa học nên sẽ khiến cho hệ hô hấp của trẻ bị kích ứng, gây ra nhiều vấn đề về hô hấp, dị ứng…

Lời khuyên của bác sĩ

Sinh con khỏe mạnh là mong ước của cha mẹ, gia đình và xã hội. Nhân viên y tế, đặc biệt là những người trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và bé, luôn quan tâm đến những phương cách nhằm đảm bảo an toàn và mang lại lợi ích cao nhất cho cả mẹ và bé. Phương pháp liên sinh có nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé, đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng.

Bé sơ sinh rất non nớt, sức đề kháng yếu nên rất dễ bị nhiễm trùng nếu chăm sóc không đúng cách. Nếu để bé tiếp xúc với mô nhau thì nguy cơ nhiễm trùng là khó tránh khỏi. Hiện nay, để giảm tỉ lệ tử vong mẹ và con, Bộ Y tế quy định tất cả các trường hợp sinh đều được nhân viên y tế đỡ đẻ (trừ những trường hợp đặc biệt không dự tính trước).  Tại các cơ sở y tế có đỡ sinh, bánh nhau, dây rốn sau khi cắt rốn bé được xem như bệnh phẩm dễ lây nhiễm, được xử lý theo quy trình riêng tại bệnh viện.

Vì thế, trước khi chọn áp dụng phương pháp liên sinh, bạn nên tham khảo thật kỹ các tài liệu cần thiết và dự phòng nguy cơ tiềm ẩn.

Đặc biệt, bạn nên xin ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thật chi tiết và có phương án dự phòng để tránh nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.

Tuy trào lưu giữ lại nhau thai của trẻ vấp phải nhiều sự phản đối, nhưng các chuyên gia về sản khoa lại rất ủng hộ việc cắt dây rốn cho trẻ muộn hơn một chút. Viện NICE của Vương quốc Anh, Tổ chứ Y tế thế giới WHO và Liên đoàn Quốc tế về sản phụ khoa FIGO khuyến cáo các bác sĩ nên trì hoãn quá trình kẹp dây rốn từ 3 – 5 phút sau sinh để trẻ nhận đủ lượng máu truyền qua nhau thai sau khi chào đời, giúp giảm nguy cơ thiếu máu, tránh được các bệnh về tim mạch, huyết áp và hô hấp.

Bài viết liên quan