Con trai tôi được 4 tuổi. Trong vòng khoảng 2 năm gần đây, mỗi ngày tôi đều cho bé uống 2 ly nhỏ sữa đậu nành nóng. Một ly sau khi bé ăn sáng xong chừng 1 tiếng đồng hồ và một ly lúc xế chiều. Tôi nghĩ sữa đậu nành rất tốt cho trẻ nên đã tự mình pha và duy trì thói quen cho con uống sữa đậu nành kèm thêm sữa công thức như thế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, gia đình tôi phát hiện cháu bé có những dấu hiệu hơi “bất thường” về… giới tính. Ví dụ như cháu không quan tâm đến các món đồ chơi của con trai nhưng lại thích thú nhồi bông. Cháu chơi với các bạn gái ở trường Mầm non cũng nhiều hơn chơi với các bạn trai. Chồng tôi không biết nghe ai nói hay đọc được ở đâu, về nhà trách tôi rất dữ, nói là tại tôi cho con uống sữa đậu nành nên con mới… mất nam tính như vậy. Chồng tôi bảo sữa đậu nành uống thường xuyên thì chỉ có thể thành… giống như phụ nữ. Kính mong bác sĩ giúp đỡ tư vấn giúp, cho tôi biết có phải sữa đậu nành làm ảnh hưởng đến sự phát triển nam tính của cháu không, và tôi nên làm gì trong trường hợp của cháu?
Trần Lam Anh
(Quận 8)
Đây là một quan niệm và suy nghĩ hết sức sai lầm của nhiều người, cho rằng nam giới hoặc kể cả các bé trai uống vào sẽ… “mất nam tính”, lệch lạc sự phát triển giới tính. Xin khẳng định với bạn ngay là với tỷ lệ uống 2 ly nhỏ mỗi ngày sữa đậu nành thì chắc chắn chẳng thể nào ảnh hưởng gì đến bé yêu của bạn cả.
Sữa đậu nành có giá trị dinh dưỡng cao. Món uống này chứa nhiều vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), vitamin E, giàu các khoáng chất Ca, Fe, Mg, K, Na tốt cho sức khỏe của trẻ em nên việc cho trẻ uống sữa đậu nành hàng ngày là rất tốt. Cứ mỗi 100ml sữa đậu nành còn cung cấp 28kcalo, 3,1g chất đạm (protein), 1,6g chất béo, 0,4g gluxit, 18mg canxi, 1,2mg sắt cùng nhiều vitamin và chất khoáng khác. Đạm trong sữa đậu nành cũng chứa đầy đủ các acid amin cần thiết, đặc biệt chất béo trong đậu nành lại chứa nhiều acid béo chưa no rất tốt cho sức khỏe.
Sở dĩ có chuyện nhiều người lo sữa đậu nành ảnh hưởng đến “nam tính” là vì trong sữa đậu nành có chứa estrogen thực vật giống estrogen nội tiết tố của buồng trứng tiết ra. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng hàm lượng estrogen trong sữa đậu nành rất thấp, chỉ đủ sức để “bổ sung” cho phụ nữ chứ không thể nào đủ sức làm… giảm đi nam tính được. Bạn có thể yên tâm cho bé uống như mức hiện tại nếu bé không ngán.
Về chuyện “giới tính” của cháu bé, thực tế ở tuổi này chưa thể nói gì được. Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng có thể đưa bé đến khám bác sĩ tâm lý. Có thể “điều chỉnh” một cách khéo léo (không bắt buộc và không làm bé khó chịu), giúp bé làm quen nhiều hơn với các trò chơi với các bé trai. Bố cũng có thể đóng vai trò tích cực trong việc định hướng này, thông qua việc giúp bé ý thức từ từ sự khác biệt của bé so với các bạn gái trong lớp Mầm non.
Bác sĩ Lê Thị Ngọc Diệp
(BV Nhi Đồng 2)