Mẹ&Con – Trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ là bệnh hay gặp. Nếu hiện tượng trào ngược này không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng và suy thận, gây hại đến sức khỏe của trẻ.

Trào ngược bàng quang niệu quản là gì?

Bình thường nước tiểu chỉ chảy một chiều từ thận xuống bàng quang (hay còn gọi là bọng đái). Nếu nước tiểu từ bàng quang chảy ngược lên thận thì được gọi là trào ngược bàng quang – niệu quản.

Khi xảy ra tình trạng này, vi trùng có thể xâm nhập vào thận và gây nhiễm trùng đường tiết niệu (còn gọi là nhiễm trùng đường tiểu).

Nếu hiện tượng trào ngược không được chẩn đoán một thời gian dài sẽ dẫn đến nhiễm trùng và suy thận. Với trẻ em bị nhiễm trùng đường tiểu có khoảng một phần ba là có trào ngược bàng quang niệu quản.

Bệnh trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ em nguy hiểm ra sao? 5

Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh

Một số nguyên nhân gây ra bệnh như: Đoạn niệu quản nội thành ngắn hoặc không có, lỗ niệu quản đóng lệch một bên, tắc nghẽn đường ra của bàng quang, viêm bàng quang hay nhiễm trùng…

Một số dấu hiệu của bệnh mà phụ huynh có thể quan sát ở trẻ như:

  • Đi tiểu rất thường xuyên nhưng mỗi lần đi được rất ít
  • Hay khóc khi đi tiểu
  • Nước tiểu có mùi khó chịu
  • Có máu trong nước tiểu
  • Tiêu chảy kèm sốt

Ngoài ra, nhiều trẻ khi bị nhiễm trùng đường niệu có triệu chứng rất mơ hồ, âm thầm như: đau bụng thoáng qua, tiêu chảy (đặc biệt ở trẻ nhỏ), nước tiểu vẫn không đổi màu, trẻ không sốt. Do vậy cha mẹ cần lưu ý theo dõi kỹ và thường xuyên các biểu hiện của trẻ khi đi tiểu, tránh để phát hiện quá muộn.

Bệnh trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ em nguy hiểm ra sao? 6

Điều trị bệnh trào ngược bàng quang niệu quản bằng cách nào

Trào ngược có thể tự khỏi. Hầu hết các bé bị trào ngược thường không cần điều trị gì đặc biệt ngoài việc thường xuyên khám bác sĩ.

Tuy nhiên, ở một số trẻ thì cần phải dùng kháng sinh mỗi ngày để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu.

Với những bé bị nhiễm trùng đường tiểu liên tục trong khi đang uống thuốc kháng sinh, hoặc các bé phát triển những vết sẹo mới ở thận, có cấu trúc của đường tiết niệu bất thường hoặc có trào ngược nghiêm trọng thì bác sĩ có thể phải phẫu thuật.

Những loại xét nghiệm bác sĩ sẽ thực hiện?

  • Siêu âm là một cách giúp cho bác sĩ nhìn được tốt thận và bàng quang mà không làm cho các bé bị đau.
  • Chụp X – quang bàng quang – niệu đạo khi tiểu cũng là một cách tốt để quan sát bàng quang, thận và niệu quản của các bé. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào bàng quang của bé rồi truyền chất lỏng qua ống vào bàng quang. Chất lỏng này xuất hiện trên X – quang khi bàng quang được làm đầy và khi bé tiểu.
  • Một liệu pháp khác được gọi chụp bàng quang niệu đạo có phóng xạ (radionuclide cystogram – RNC) đôi khi được sử dụng đối với những bé bị nhiễm trùng đường tiểu.

Đối với liệu pháp này, bác sĩ sẽ đưa một lượng nhỏ thuốc phóng xạ vào dòng máu của bé bằng đường truyền tĩnh mạch. Sau đó, bác sĩ sẽ chụp ảnh của thận và bàng quang với một máy ảnh đặc biệt. Đây là một xét nghiệm rất tốt cho việc tìm kiếm những vết sẹo ở thận. Và liệu pháp này thường được sử dụng đối với các bé được chuẩn đoán là mắc bệnh trào ngược bàng quang niệu quản.

Bài viết liên quan