Mẹ&Con – Một trong những bước khởi đầu quan trọng trong quá trình rèn luyện khả năng tự lập cho trẻ, đó là tập dạy trẻ tự đi vệ sinh. Điều này không những giúp ích riêng cho trẻ mà còn giúp cha mẹ có nhiều thời gian rảnh tay hơn.
Tuy nhiên, việc dạy trẻ tự đi vệ sinh không phải là chuyện dễ dàng và có thể hoàn thành ngày một, ngày hai. Theo các chuyên gia tâm lý Australia, để tạo lập thói quen tự giác đi vệ sinh cho trẻ ngoài sự kiên nhẫn, cha mẹ còn cần phải am hiểu các giai đoạn phát triển của trẻ vì mỗi lứa tuổi, trẻ sẽ có những cách biểu đạt các nhu cầu cơ bản khác nhau.
Khi nào nên tập cho trẻ đi vệ sinh?
Thật ra, không có một quy định cụ thể nào về độ tuổi dạy trẻ tự đi vệ sinh. Nhiều trẻ có thể làm được điều này khi được 18 tháng, sau sinh nhật lần thứ 2, phần lớn trẻ có thể hoàn thành khóa học tự đi vệ sinh.
Cụ thể hơn, nếu xuất hiện những dấu hiệu dưới đây thì về mặt tinh thần, trẻ đã phần nào đó sẵn sàng cho việc dạy trẻ tự đi vệ sinh:
- Trẻ không tè dầm khi ngủ trưa.
- Trẻ khô ráo ít nhất 2 giờ tại một thời điểm trong ngày.
- Trẻ tỏ thái độ không thoải mái khi mặc bỉm hoặc tã, nhất là với bỉm hoặc tã lót bẩn.
- Trẻ xuất hiện những biểu cảm trên khuôn mặt, lời nói hoặc cử chỉ báo hiệu cho thấy sắp sửa đi vệ sinh.
- Tần suất đi vệ sinh của trẻ lặp đi lặp lại thường xuyên, nằm trong tầm dự đoán của cha mẹ.
- Trẻ có thể và chịu làm theo những hướng dẫn đơn giản như gọi người lớn, cởi quần áo, chạy vào nhà vệ sinh.
- Trẻ có thể tự ý thức được thời điểm cần đi vệ sinh hoặc có thể nhịn một chút nếu cần.
Nhiều trẻ có thể tự đi vệ sinh khi được 18 tháng, sau sinh nhật lần thứ 2, phần lớn trẻ có thể hoàn thành khóa học tự đi vệ sinh. (Ảnh minh họa)
Các bước tiến hành dạy trẻ tự đi vệ sinh
Bước 1: Cho trẻ làm quen với bô
Mẹ cho trẻ thấy một cái bô và giới thiệu về công dụng của chúng. Mẹ có thể đưa bé đi siêu thị, để bé tự chọn loại bô mà chúng thích, như vậy trẻ sẽ “hợp tác” hơn trong việc đi vệ sinh.
Tiếp theo, đặt bô trong góc nhà vệ sinh 2 – 3 ngày cho trẻ quen với sự hiện diện của món đồ mới này. Khi trẻ đã quen, chỉ cho trẻ cách ngồi bô nhưng vẫn để nguyên bỉm hoặc quần.
Mẹ có thể tham khảo các loại bô cho trẻ bằng cách nhấn vào đây.
Bước 2: Bắt đầu hành động
Thử cởi tã/ bỉm của trẻ ra, dạy con cách rặn và giải thích cho chúng nghe là mình đang làm gì. Tự cha mẹ có thể minh họa luôn cho con bằng việc thực hiện trên toilet người lớn còn trong trường hợp trẻ có anh/ chị lớn hơn, hãy nhờ anh/ chị trẻ làm mẫu cách đi vệ sinh.
Bước 3: Đợi con hoàn thành “bài kiểm tra”
Những lần đầu mới dạy trẻ tự đi vệ sinh trong bô, có thể trẻ sẽ mất một thời gian dài mới giải quyết xong nhu cầu cá nhân. Điều cha mẹ cần làm lúc này, đó là hãy kiên nhẫn kề cận bên con cho tới khi chúng hoàn thành “bài kiểm tra”. Trong suốt quá trình ấy, đừng để thời gian chết. Luôn luôn cố gắng động viên, khích lệ trẻ bằng những từ ngữ vui vẻ hay những câu truyện cười. Khen ngợi trong trường hợp này giúp cho đứa trẻ cảm thấy thân thuộc và tự tin với sự lựa chọn của mình hơn.
Bước 4: Rửa sạch sau khi đi vệ sinh
Sau khi vệ sinh xong, theo quán tình rất có thể trẻ sẽ đứng dậy và… chạy tuột vào trong nhà. Cha mẹ cần lưu ý ở bước này. Khi trẻ vừa đứng lên, miệng nói “Chưa xong đâu nhé” còn tay giữ trẻ ở lại.
Tư thế ngồi lau rửa của bé gái khác với bé trai, vậy nên mẹ cũng cần dạy con cách ngồi sao cho thích hợp để mình có thể dọn rửa sạch sẽ, nhanh chóng nhất.
Lưu ý: Vài lần đầu mới tập đi vệ sinh, trẻ có thể bỏ ngang bất kì bước nào trong số 4 bước trên. Đừng nặng lời la mắng con bởi hầu hết đứa trẻ nào cũng như vậy. Lần một, lần hai trẻ chưa quen nhưng lần ba, lần bốn chắc chắn trẻ sẽ quen, tiếp thu và thực hành trọn vẹn, đúng trình tự đấy.
Cho trẻ mặc những loại quần áo dễ cởi, chẳng hạn như quần chun, hoặc khóa kéo và váy ngắn. Điều này sẽ giúp tăng khả năng thành công trong việc dạy trẻ tự đi vệ sinh. (Ảnh minh họa)
Những góp sức của mẹ để quá trình dạy trẻ đi vệ sinh suôn sẻ hơn
Tạo cho con cảm giác thích thú
Mẹ hãy tạo điều kiện để con nhận ra là chúng đang làm cái mình thích. Tức là, trước giờ trẻ luôn nghĩ đi tè, đi ị trong tã thì thoải mái hơn ngồi bô, vậy thì mẹ phải làm sao để con cảm thấy ngồi bô sẽ thích hơn.
Trường hợp trẻ không chịu, mẹ cần coi lại tại sao trẻ không thích ngồi bô hoặc ngồi cầu (sợ dơ, sợ lạnh mông sợ nước sâm sấp, sợ trong cầu tiêu tối tăm, ham chơi…). Mẹ chỉ cần làm cho con quên việc mặc tã và “thương nhớ” cái bô hoặc bồn cầu là kế hoạch cho con tự đi vệ sinh của mẹ đã thành công rồi đấy!
Khuyến khích con bằng nhiều cách
Thời gian đầu dạy trẻ tự đi vệ sinh, mẹ có thể khích lệ trẻ bằng cách cho con ôm búp bê (hoặc con thú bông hoặc nhựa), cho bé cầm ôm vào lòng rồi bảo bé vừa ngồi bô vừa xi em búp bê đi vệ sinh. Mẹ cũng có thể ngồi đối diện với con rồi hát hò múa máy. Mẹ có thể làm bất cứ cái gì mà mẹ nghĩ là trẻ sẽ thích, miễn sao giúp con chịu ngồi yên trên bô rồi vừa biểu diễn vừa xi.
Mẹ cũng cần khêu gợi những cử chỉ, hành động, lời nói của con để báo động cho người lớn biết việc con đi vệ sinh. Khi trẻ đã tự đi vệ sinh hoặc biết đòi đi vệ sinh, mẹ đừng quên khen ngợi và chứng tỏ cho trẻ biết rằng điều đó làm mẹ rất tự hào về con.
Lên thời gian biểu
Chắc chắn trẻ sẽ không tự đi vệ sinh nếu mẹ cứ thường xuyên ép chúng ngồi bô hoặc ngồi lên bồn cầu. Vì vậy, việc đi tiểu, đi tiêu của trẻ cũng cần mẹ theo dõi thời khóa biểu của và lên thời khóa biểu cho trẻ vào cầu ngồi. Cho uống nước trước giờ nhất định sẽ giúp bé đi theo thời khóa biểu vạch ra.
Như vậy, mẹ có thể thiết lập thời gian biểu cho việc đi vệ sinh của trẻ khoảng 45 phút đến một tiếng sau khi con uống nước hoa quả hoặc các loại chất lỏng. Ngoài ra, mỗi sáng khi trẻ thức dậy, mẹ cũng nên hỏi xem liệu trẻ mình có “mót” không vì sau một đêm, lượng nước trong người tích tụ và như người lớn, trẻ cũng muốn giải quyết nhanh.
Kiềm chế, không quát tháo giận dữ
Đôi lúc mẹ sẽ khó kiềm chế được sự giận dữ vì bao cố gắng dạy trẻ tự đi vệ sinh đều bị con đáp trả bằng cách “đi đại” ra nhà hoặc khóc thét mỗi khi cho ngồi bô. Hãy bình tĩnh mẹ nhé, vì việc tập cho trẻ tự đi vệ sinh cũng cần có “nghệ thuật” và mẹ phải là người “nghệ sĩ” tài ba để hướng dẫn cho con quen từng chút một.
Một lần bộc phát la mắng, đánh đập của cha mẹ có thể khiến công sức bấy lâu gây dựng đổ xuống sông xuống biển đấy. Một khi trong đầu trẻ đã hình thành nỗi sợ hãi, rất khó để chúng thoải mái, yêu thích và tự nguyện làm lại như lúc ban đầu.
Trao phần thưởng – đổi thành công
Những phần thưởng, món quà dù to dù nhỏ không chỉ hấp dẫn với người lớn, ngay cả trẻ em cũng vậy. Hãy đưa ra những phần thưởng nho nhỏ, theo từng giai đoạn mà trẻ đạt được để tạo sự hứng khởi và “đốc thúc” trẻ hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.
Tuy nhiên, hãy luôn ghi nhớ rằng đây chỉ là phần thưởng khích lệ. Cha mẹ cần tỉnh táo và khéo léo khen thưởng trẻ, để trẻ không bị món quà đó chi phối vì mục đích chính vẫn là rèn cho trẻ tự giác đi vệ sinh.