1. Hiểu rõ từng bước phát triển của con
Trước tiên, bạn cần biết rõ ở từng tháng tuổi nhất định, bé “đúng chuẩn” sẽ đạt chiều cao / cân nặng như thế nào. Từ đó mới có cách khắc phục và giúp con mình được. Bảng cân nặng và chiều cao trung bình dành cho trẻ sơ sinh đến 5 tuổi dưới đây sẽ giúp bạn thực hiện điều đó. Tuy nhiên, xin nhắc bạn một điều là đừng khăng khăng dựa vào bảng này rồi… sốt ruột nếu như bé không đạt đến mức bạn mong muốn. Ví dụ thời điểm sơ sinh, nếu con bạn chỉ đạt 2,7kg thì sẽ rất khó để đến lúc 1 tháng tuổi, bé đạt 4,2-4,5kg như “chuẩn” được.
Chỉ cần bạn thấy bé liên tục tăng cân, không bị “đứng chựng” lại mà đều đặn tháng nào biểu đồ tăng trưởng cũng theo hướng đi lên thì đã xem như là đạt yêu cầu. Đó là dấu hiệu tốt chứng tỏ con sẽ nhanh chóng bắt nhịp kịp cùng bạn bè trang lứa.
Bảng cân nặng và chiều cao trung bình của trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi:
2. Trang bị kiến thức nuôi con thật tốt
Bé chào đời với cân nặng hơi “kém” hơn bạn bè nên cách “bù đắp” duy nhất cho con chính là những kiến thức dinh dưỡng thật tốt, cách chăm sóc con thật khéo của mẹ. Các nghiên cứu cho thấy hầu hết trẻ suy dinh dưỡng (dạng suy dinh dưỡng trong quá trình nuôi lớn) là do cha mẹ thiếu đi những kiến thức nuôi con. Bạn muốn con không rơi vào trường hợp này thì nên tích cực tìm đến các lớp học dinh dưỡng, chủ động hỏi han bác sĩ, tìm những tài liệu hướng dẫn dành cho bà mẹ nuôi con, đọc các tạp chí chuyên về chăm sóc bé.
Những kiến thức như: Sữa mẹ tốt như thế nào, nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong bao nhiêu tháng, mỗi ngày nên cho bé bú bao nhiêu, có cần cho con ăn dặm sớm quá không, khi bé bệnh nên chăm sóc bé ra sao, cách chia các bữa ăn phù hợp cho con, ở tuổi nào con được ăn món gì… đều rất quan trọng và cần phải học. Không chỉ học cách chăm sóc bé mà bạn còn cần học cả cách chăm sóc bản thân mình, có chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho mình (vì chỉ khi bạn khỏe, bạn mới có được đủ nguồn sữa mẹ cần thiết, chất lượng tốt nhất dành cho bé được).
3. Đưa bé đi khám sức khỏe định kỳ
Bé chào đời nhẹ cân có thể gặp phải một số vấn đề về sức khỏe. Do đó, việc đưa bé đi kiểm tra định kỳ, phối hợp với bác sĩ để có được những lời khuyên tốt nhất từ bác sĩ là rất quan trọng. Bạn nên hỏi han bác sĩ ngay khi thấy bé không lên cân, chậm lên cân, kém hấp thu, xuất hiện các rối loạn như tiêu chảy, táo bón, nôn trớ… Bác sĩ có thể phát hiện ra những bệnh nhiễm trùng – nguyên nhân đưa đến việc trẻ biếng ăn, kém hấp thu. Khi bé chuyển sang giai đoạn ăn dặm, bạn càng cần kết hợp với bác sĩ chuyên khoa Nhi lẫn bác sĩ chuyên khoa Dinh dưỡng để có được cách chăm sóc và những công thức nấu ăn phù hợp nhất cho con.
4. Đừng… tạo áp lực cho mình và cho bé!
Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đúng là như thế! Việc cảm thấy mình “có lỗi” khi để con chào đời nhẹ ký, cảm thấy sốt ruột với chuyện “mau lớn” của con sẽ dễ làm cho bạn stress, mất sữa, khiến bé phải bú ngoài và từ đó càng chậm lên ký hơn so với bạn bè. Ngoài ra, đừng tưởng bé không cảm nhận được. Trẻ nhỏ vô cùng nhạy cảm với những căng thẳng, stress của mẹ. Chính vì thế, khi mẹ quá áp lực, cứ muốn bé ăn nhiều, bú nhiều thì bé sẽ dễ bị “stress” theo, càng dễ quấy khóc, khó ăn khó ngủ. Hãy cho bản thân mình và cho chính bé thời gian, hãy vui với từng “tiến bộ” dù nhỏ nhất của con. Cảm giác vui vẻ của bạn sẽ giúp bé cũng ở trong trạng thái tâm lý tốt, từ đó chóng lớn và mau bắt kịp bạn bè hơn.
5. Nhớ tẩy giun cho con
Nhiễm giun sán thường không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không phát hiện và điều trị sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt… Đừng tưởng chỉ người lớn mới nhiễm giun sán, ngay các trẻ chỉ mới chưa đầy 2 tuổi đến khám bác sĩ đã phát hiện bị nhiễm giun rồi. Trẻ có giun thường gầy ốm, xanh xao, bụng to bè, chậm lớn, kém ăn hay buồn nôn, có khi nôn ra thức ăn. Trẻ hay đau bụng vùng quanh rốn, rối loạn tiêu hóa, phân lỏng. Cơ thể trẻ gầy còm, ốm yếu, xanh xao, thiếu máu, hay bực tức, hay quấy khóc, tính tình thay đổi, lười vận động…
Khi con được từ 2-3 tuổi trở lên, bạn nên quan tâm đến việc tẩy giun theo định kỳ cho bé (nhớ hỏi ý kiến bác sĩ). Việc này tuy nhỏ nhưng rất cần thiết vì khi trẻ bị nhiễm giun sán, trẻ sẽ rất dễ bị suy dinh dưỡng vì bao nhiêu chất bổ dưỡng đưa vào cơ thể trẻ đều không hấp thụ được.
Mẹ nên biết
Hành trình giúp bé “bắt kịp bạn bè” là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và tích cực. Đừng nôn nóng có được kết quả ngay, hoặc sau khi đạt được kết quả nhất định thì lại… bỏ lơi. Bằng sự kiên nhẫn của mình, bạn sẽ không chỉ giúp con có được cân nặng, chiều cao hoàn hảo mà còn giúp bé trở nên thông minh, hoạt bát…
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hà
(Chuyên khoa Nhi)