Mẹ&Con – Khi bạn trở thành những bậc cha mẹ đòi hỏi phải có trách nhiệm ngay từ việc lựa chọn từ ngữ giao tiếp với con. Nếu không cẩn trọng, vô tình những câu nói cha mẹ thốt ra có thể làm thay đổi thế giới quan và ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.

“Con nên lắng nghe người lớn”

Nghe điều này, đứa trẻ sẽ nghĩ: “Tất cả người lớn đều thông minh và giỏi giang. Mình phải làm theo những gì người lớn nói”. Câu nói này rất nguy hiểm vì trẻ sẽ tin tưởng rằng tất cả người lớn, kể cả người lạ đều đúng mà không ngờ tới những điều xấu có thể xảy ra với chúng.

7 câu nói gây hại cho con bố mẹ không lường trước 7

Cụm từ cha mẹ nên sử dụng: “Con cần lắng nghe cha mẹ”. Điều này sẽ giúp trẻ có sự cảnh giác khi gặp người lạ.

“Ai dạy con như thế?”

Nghe điều này, đứa trẻ sẽ nghĩ: “Bố mẹ không nghĩ rằng mình có thể nghĩ được trò này”. Như vậy đứa trẻ sẽ không hiểu rằng trò nghịch ngợm của mình là không tốt và mình có thể không bị trừng phạt.

Cụm từ cha mẹ nên sử dụng: “Tại sao con lại làm như thế?”. Điều này sẽ giúp bạn tìm hiểu xem đứa trẻ đã tự làm điều đó hay do ai đó khuyến khích. Hãy cho trẻ có cơ hội để giải thích hành động của mình.

“Chúng ta sẽ về nhà nói chuyện”

Nghe vậy, đứa trẻ sẽ nghĩ: “Bố mẹ chuẩn bị đánh mình đây. Bố mẹ không còn yêu thương mình nữa. Mình không muốn về nhà”. Việc đe dọa của bố mẹ trẻ khiến đứa trẻ cảm thấy ngôi nhà không còn an toàn mà đó là nơi của những sự trừng phạt. Do vậy chúng không còn muốn về nhà.

Cụm từ cha mẹ nên sử dụng: “Hãy để mẹ nói con nghe điều con đã làm mẹ thất vọng”. Nghe những gì mẹ nói, đứa trẻ sẽ học cách để ý đến cảm xúc của người khác mỗi khi mình hành động điều gì.

“Đừng tham lam như thế”

Nghe vậy, đứa trẻ sẽ nghĩ: “Mình phải chia sẻ mọi thứ. Không có gì là của riêng mình cả”. Theo thời gian, những suy nghĩ này sẽ phát triển thành sự hy sinh. Đứa trẻ sẽ không có khái niệm bảo vệ các giá trị và tài sản của riêng mình.

7 câu nói gây hại cho con bố mẹ không lường trước 8

Cụm từ cha mẹ nên sử dụng: “Con có thể cho bạn chơi chung đồ chơi với con một chút được không?”; “Con có muốn trao đổi đồ chơi một lúc không?”. Hãy cho con bạn cơ hội để chúng có thể tự quản lý đồ đạc của mình. Nếu con không đồng ý chia sẻ, cha mẹ cũng không nên năn nỉ hay quát tháo.

“Con còn quá nhỏ để biết điều này”

Nghe đến đây, đứa trẻ sẽ nghĩ: “Mình thực sự muốn biết thông tin này. Mình phải đi hỏi người khác”. Nếu đứa trẻ thắc mắc nhưng không nhận được thông tin, chúng sẽ tự đi tìm hiểu từ các nguồn khác. Rất có thể đó là những nguồn tiêu cực.

7 câu nói gây hại cho con bố mẹ không lường trước 9

Cụm từ cha mẹ nên sử dụng: “Giờ mẹ chưa trả lời được câu này. Con cho mẹ một chút thời gian nhé”. Không nên từ chối bất kỳ câu hỏi nào của trẻ. Nếu chúng hỏi, hãy cố gắng trả lời lại. Bằng cách này, trong mắt đứa trẻ bố mẹ luôn là những người có tầm hiểu biết sâu rộng khiến chúng nể phục và có niềm tin.

“Đừng khóc nữa”

Nghe đến đây, đứa trẻ sẽ nghĩ: “Thật tệ khi thể hiện cảm xúc ra bên ngoài. Mình bị mắng chỉ vì nước mắt”. Đứa trẻ vì thế có thể lớn lên trong im lặng và ít thể hiện cảm xúc. Những cảm xúc tiềm ẩn này sớm muộn cũng sẽ bộc lộ ra thành sự hung hăng.

Cụm từ cha mẹ nên sử dụng: “Hãy nói mẹ nghe điều gì làm con muộn phiền”; “Tại sao con lại khóc?”. Nếu trẻ bị ngã hoặc bị bầm tím chân tay, hãy hỏi nhẹ nhàng “Con đang khóc vì bị đau hay do sợ hãi?”. Điều này sẽ tạo ra một cuộc trò chuyện có ích giúp đứa trẻ xác định được cảm xúc của bản thân.

“Hãy nhìn cô bé đáng yêu này”

Nghe vậy, đứa trẻ sẽ nghĩ: “Mình không đáng yêu như bạn ấy”. So sánh đứa trẻ với người khác sẽ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ nghĩ rằng chúng không bao giờ đạt được bất cứ điều gì.

7 câu nói gây hại cho con bố mẹ không lường trước 10

Cụm từ cha mẹ nên sử dụng: “Mẹ cũng yêu con. Con cũng là đứa trẻ đáng yêu”. Hãy chỉ ra điểm tốt của đứa trẻ và thể hiện sự tin tưởng vào thế mạnh ấy. Cha mẹ cần nhớ rằng, đứa trẻ là duy nhất và cũng có những tài năng riêng.

Theo vietnamnet.vn

Bài viết liên quan