Mẹ&Con – U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa rất hay gặp ở phụ nữ nhưng điều ít ai ngờ tới là những bé gái khi còn rất nhỏ cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này rất cao. Nhiều bậc phụ huynh khi đưa trẻ đi khám và được bác sĩ chẩn đoán là u nang buồng trứng mới vỡ lở ra vấn đề.
Đã có rất nhiều tờ báo đưa tin về vấn đề u nang buồng trứng ở bé gái, chẳng hạn như Báo Lao Động với tin cháu B.P.T. xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn ói. Gia đình đã nhanh chóng đưa bé T. vào bệnh viện tỉnh, các bác sĩ tại đây phát hiện bệnh nhi đang mang khối u buồng trứng, hay Báo Dân Trí với tin mới 4 tuổi, bé Âu Thị Nghiệm (ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) được chẩn đoán u nang buồng trứng trái, phải phẫu thuật cắt bỏ một bên buồng trứng…
Từ những ví dụ thực tế nêu trên, phụ huynh không nên lơ là bỏ qua vấn đề sức khỏe bé gái nhà mình, đặc biệt là những bệnh phụ khoa.
Dấu hiệu bệnh u nang buồng trứng ở bé gái
U nang buồng trứng là hiện tượng ở trên bề mặt hoặc bên trong buồng trứng chứa tập hợp những tế bào và túi chứa dịch nhầy. Người bệnh khó có thể phát hiện ra bệnh do những triệu chứng của bệnh dễ bị gây nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác.
Thông thường, dấu hiệu nhận biết u buồng trứng ở trẻ nhỏ khá mơ hồ. Khi chưa có biến chứng, u nang buồng trứng thường gây các triệu chứng như: đau vùng bụng dưới âm ỉ hoặc từng cơn, một số trường hợp trẻ luôn thấy chướng bụng hoặc đầy hơi… Trong trường hợp trẻ có các triệu chứng sau thì nên đưa trẻ đi khám ngay:
- Đau bụng dữ dội liên tục hoặc đau co thắt vùng bụng dưới, kèm theo sốt và nôn, đôi khi có thể choáng vì đau.
- Bụng to bất thường, sờ thấy có một khối ở vùng bụng kèm theo đau…
Điều trị u nang buồng trứng ở bé gái
Quá trình điều trị, bé sẽ được trải qua công đoạn thăm khám lâm sàng, chẩn đoán bệnh kết hợp siêu âm vùng bụng, vùng chậu, xét nghiệm ung thư xác định u lành tính hay ác tính, tùy thuộc vào kích thước khối u và các triệu chứng đi kèm, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất đối với từng trường hợp. Theo đó, có các hình thức: theo dõi thêm, phẫu thuật cấp cứu hay lên lịch mổ. Có hai phương pháp mổ u nang buồng trứng thông dụng nhất:
-
Mổ mở u nang buồng trứng
Bác sĩ sẽ tạo một vết rạch lớn trên thành bụng, qua đó tiến hành cắt bỏ u nang buồng trứng. Sau khi sử dụng phương pháp mổ mở, sức khỏe người bệnh có thể phục hồi sau khoảng 5 ngày.
-
Mở nội soi u nang buồng trứng
Bác sĩ sẽ đưa các dụng cụ phẫu thuật nội soi qua một vài vết rạch rất nhỏ để xác định vị trí u nang. Sau đó tiến hành cắt bỏ khối u. Mổ nội soi mức độ phục hồi sẽ nhanh hơn mổ mở, khoảng 3 ngày sau phẫu thuật người bệnh có thể trở lại hoạt động bình thường.
Nếu bệnh được phát hiện sớm, các bác sĩ có thể thực hiện bóc tách khối u, bảo toàn buồng trứng. Trong trường hợp u xoắn, u quái, bác sĩ phải cắt bỏ buồng trứng và vòi trứng.
-
Bóc tách u nang
Các bác sĩ sẽ thực hiện bóc tách khối u nang để lại phần buồng trứng lành. Đây là phương pháp phẫu thuật bảo toàn nhất cho người bệnh, tuy nhiên bóc tách khối u có thể làm tăng nguy cơ tái phát u nang buồng trứng.
-
Cắt bỏ buồng trứng
Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng là phương pháp điều trị triệt để. Thông thường cắt bỏ buồng trứng được chỉ định trong trường hợp khối u có kích thước lớn, hoặc đã chẩn đoán là nang thực thể cần phải cắt bỏ để ngăn ngừa ung thư.