Mẹ&Con- Cha mẹ nào cũng từng có những lúc tức giận vì con cái nghịch ngợm, ngỗ ngược, không nghe lời, không làm theo ý mình… Và nhiều khi “giận quá mất khôn”, cha mẹ đã nói ra những câu nói làm tổn thương trẻ khiến chúng buồn bã, căng thẳng mà không hề hay biết. Trẻ có thể bị ám ảnh lâu dài bởi những lời nói này đấy, cha mẹ biết không? Tránh 12 câu nói dưới đây, nếu bạn thực sự muốn nuôi dạy con cái trưởng thành tích cực nhé!
1. “Con nhà người ta vừa ngoan ngoãn vừa học giỏi, con mình thì vừa hư vừa học dốt”
Việc so sánh con mình với những đứa trẻ khác sẽ có 2 mặt lợi và hại. Sẽ là có lợi nếu trẻ có tư tưởng phấn đầu để bằng bạn bằng bè, nhưng sẽ là có hại nếu trẻ vì thế mà tỏ ra đố kị, ganh ghét bạn bè. Mỗi đứa trẻ đều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Có thể con bạn không có năng khiếu về lĩnh vực này, nhưng lại giỏi giang về lĩnh vực khác và ngược lại. Ngay cả “con nhà người ta” cũng thế. “Con hãy cố gắng phấn đấu học tốt hơn nhé!” – Đây chính là câu nói tiếp thêm sức mạnh để trẻ thực sự học giỏi hơn đấy, mẹ có biết không?
2. “Sao con không ngoan giống anh/chị mình?”
Đây là một trong những câu nói làm tổn thương trẻ cần tránh nếu không muốn làm mất hòa khí gia đình. Mặc dù trước đây, trẻ và anh chị em chúng hoàn toàn hòa hợp nhưng sau khi “bị” nghe câu nói này lặp đi lặp lại nhiều lần từ ngay chính cha mẹ ruột”, trẻ sẽ có xu hướng không thích, thậm chí ghét anh chị em của mình hơn. Dù vô tình, nhưng chính bạn đang là người chia rẽ tình cảm gia đình giữa những đứa trẻ với nhau. Đừng nói “Sao con không ngoan giống anh/chị mình?”, hãy nói “Con hãy cố gắng tiến bộ nhiều hơn”.
3. “Mẹ sắp có em bé, con mà không ngoan là mẹ cho ra rìa”
Đây là câu nói rất quen thuộc ở những gia đình sắp có thêm thành viên mới. Thật sai lầm khi thốt ra câu nói này, dù chỉ là bông đùa. Trẻ sẽ hình thành nên tâm lý ghét bỏ em vì sợ sau khi em ra đời, cha mẹ sẽ bỏ rơi mình. Cá biệt, nhiều trẻ có thể hại em chỉ bởi sợ mất đi vị trí hiện tại trong lòng cha mẹ. Tại sao mẹ không gắn kết tình cảm anh chị em trẻ và cho chúng thấy rằng mình đã lớn, đã “lên chức” và cần có trách nhiệm bằng những câu nói như “Mẹ sắp có em bé, mẹ hy vọng con sẽ là một người anh/ chị tốt để làm gương cho em”?
4. “Mẹ sẽ không yêu con nữa nếu con tiếp tục làm như vậy”
Trẻ sẽ bất ổn và hoang mang biết bao, nếu mẹ thốt ra những câu nói này. Trong đầu chúng sẽ nghĩ rằng tại sao cha mẹ luôn nói yêu chúng nhiều, yêu chúng nhất trên đời nhưng lại dễ dàng hết yêu chúng chỉ vì chúng tiếp tục làm điều gì đó, mặc dù không đúng? Và trẻ sẽ nghĩ cha mẹ mìn là người dễ thay lòng đổi dạ hoặc nói dối không chừng.
Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là tình yêu vô điều kiện. Thay vì nói “Mẹ sẽ không yêu con nữa nếu con tiếp tục làm như vậy”, hãy nói “Mẹ yêu cảm thấy rất buồn khi con tiếp tục làm như vậy”.
5. “Cha mẹ sẽ mua cho con thứ này, nếu con được điểm 10”
Cha mẹ đừng nên quá quan trọng điểm số, miễn là con vui vẻ và hạnh phúc mỗi ngày đến trường là được. (Ảnh minh họa)
Đặt ra mục tiêu cho trẻ cố gắng là điều tốt, song đừng hứa hẹn sẽ thế này, thế kia. Lâu dần khi tạo thành thói quen, trẻ sẽ chỉ chịu làm bài khi “ngã giá” thành công những thứ mà chúng muốn. Hãy cho trẻ thấy học là công việc của chính con, chúng phải tự chịu trách nhiệm với mình. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên quá quan trọng điểm số, miễn là con vui vẻ và hạnh phúc mỗi ngày đến trường. “Cha mẹ sẽ rất vui nếu con làm bài tốt” – đây mới là câu mà phụ huynh nên nói với con.
6. “Cha mẹ sẽ không thèm nói nữa, tùy con muốn làm sao thì làm”
Khi nói ra những câu nói này, chứng tỏ bạn đang giận lẫy con. Đừng nên áp đặt ý muốn hay sở thích của mình lên con cái. Trẻ con cũng có quan điểm riêng, hãy để cho chúng có cơ hội được bày tỏ lên suy nghĩ, quan điểm của mình. Nếu những quan điểm nó là sai, hãy chỉnh đốn và bao dung. Đổi câu giận lẫy “Cha mẹ sẽ không thèm nói nữa, tùy con muốn làm sao thì làm” bằng lời khuyến khích “Để xem mẹ có thể giúp gì được con trong việc này không nhé!”
7. “Tại sao con dám làm những chuyện như vậy?
Có thể trẻ không hề biết được tác hại của những việc mình vừa làm nên mới hành xử như vậy. Mẹ không nên chê bai, quát mắng con thậm tệ trước mặt người khác. Hãy suy nghĩ xem tại sao trẻ lại làm như vậy, và cho trẻ cơ hội giải thích nếu cần. Nghiêm nghị nhìn trẻ và nói “Nói cho mẹ nghe, tại sao con lại làm như vậy?” Câu nói này vừa xoa dịu tình huống nhẹ nhàng hơn, mẹ lại vừa được nghe câu trả lời thật lòng từ trẻ.
8. “Con lại làm sai nữa rồi, thật ngu ngốc!”
Ngay cả người lớn chúng ta còn mắc những sai lầm, huống hồ trẻ con phải không? Sau thất bại, cái mà trẻ cần là dạy bảo và rút kinh nghiệm chứ không phải những lời thóa mạ, chỉ trích làm chúng xấu hổ và nhụt chí. Trong việc giáo dục trẻ, không phải lúc nào chửi mắng, đòn roi cũng dạy bảo được chúng. Có cương, có nhu mới khiến trẻ tâm phục khẩu phục. Đừng thốt ra những câu nói làm tổn thương trẻ này. Hãy sửa lại một chút để câu nói này trở nên nhẹ nhàng hơn, ví dụ “Con lại làm sai nữa rồi, lần sau chú ý nhé!”
9. “Con là con của cha/mẹ mà sao chả giống cha/ mẹ chút nào”
Cái giống mà cha mẹ muốn nói ở đây là sự giỏi dang, khéo léo. Tuy nhiên, cha mẹ sinh con trời sinh tính. Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng là bản sao hoàn hảo của cha mẹ. Chính cái bóng quá lớn của cha mẹ nhiều lúc lại là rào cản, khiến trẻ gặp áp lực và muốn thoát ra càng sớm càng tốt. Đừng vội chỉ trích, trẻ nhỏ cần thời gian để phát huy hết khả năng của mình. “Ngày xưa bằng tuổi con, cha/mẹ cũng từng bị điểm kém, bị thầy cô trách phạt nhưng sau đó cha/ mẹ nhận ra lỗi của mình và sửa sai…” Những điều này nói ra sẽ “êm tai” hơn rất nhiều, phải không?
10. “Cha/mẹ không muốn có đứa con như con”
Có bao giờ bạn nghĩ rằng con mình sẽ nghĩ quẩn sau khi bị xúc phạm bằng những từ ngữ nặng nề như thế không? (Ảnh minh họa)
Thật buồn khi mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày nhưng chỉ vì một phút tức giận, mẹ quát mắng con bằng câu nói này. Có bao giờ bạn nghĩ rằng con mình sẽ nghĩ quẩn sau khi bị xúc phạm như thế không? Nghe những lời này thốt ra từ miệng cha mẹ, trẻ sẽ cảm thấy không được thương yêu, tôn trọng, cảm thấy bản thân không có chút giá trị nào cả. Ngay cả người mà mình yêu thương nhất cũng không cần mình, liệu trên đời này mình còn có thể tin tưởng ai? Trẻ sẽ mang theo “ấn tượng” này cho đến lớn, và vì thế sẽ khó giữ được tình cảm gia đình. Hãy nói “Cha/mẹ thực sự buồn khi con làm như vậy”, thay vì “Cha/mẹ không muốn có đứa con như con” nhé. Trẻ chắc chắn sẽ sửa đổi khi biết những điều mình làm chưa đúng.
11. “Tương lai chắc con cũng chẳng ra gì?”
Đây là một trong những câu nói làm tổn thương trẻ có mức độ sát thương cực kì cao. Làm sao bạn có thể nhìn thấy trước được tương lai 10 năm, 20 năm sau của đứa trẻ? Dù năng lực của trẻ yếu kém thật cũng có thể thay đổi tích cực theo thời gian mà? Nếu không muốn tương lai của trẻ “chẳng ra gì”, thay vì chế giễu cha mẹ nên động viên trẻ “Muốn làm bác sĩ, phi công… con phải chăm chỉ học hành ngay từ bây giờ”. Chắc chắn đây là câu nói hợp tình hợp lý và được lòng trẻ hơn câu nói trên.
12. Nựng con trai là “đích tôn”, gọi con gái là “đám vịt giời”
Mặc dù không quá nặng nề, nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại một số nơi. Nhiều gia đình nhất định phải “nặn” bằng được “thằng cu” để nối dõi tông đường, điều này khiến cho các bé trai nảy sinh tư tưởng kiêu căng, tự phụ, luôn cho mình là “cái rốn của vũ trụ”, muốn gì được nấy…
Bên cạnh đó, việc gọi bé gái là “đám vịt giời” sẽ khiến tâm lý của trẻ ảnh hưởng không ít. Trẻ hình tự ti, ủ rũ và không muốn phấn đấu vì cho rằng mình có cố gắng đến đâu cũng chỉ là “vịt giời” mà thôi. Con nào cũng là con mình sinh ra, đừng bông đùa những câu nói như vậy nếu muốn con phát triển đúng mực về nhận thức cũng như nhân cách.