Mẹ&Con - Đừng bỏ qua bất kỳ việc nào trong số những điều mang tính căn bản này. Thực hiện tốt những điều đó, bạn sẽ bảo vệ cho chính mình và bé yêu khỏi những nguy cơ tiềm ẩn… Các dấu hiệu động thai không thể bỏ qua Những thay đổi ở bầu ngực khi mang thai Bạn đã biết cách ăn trước lúc mang thai?

1. Khám thai 

Bạn không được bỏ qua lịch khám thai định kỳ trong 3 tháng giữa thai kỳ đâu đấy. Lần khám thai này, bác sĩ sẽ kiểm tra, theo dõi sự phát triển của bé yêu trong bụng có tương thích với mức độ tăng cân của bạn không, nhằm phát hiện nguy cơ thai suy dinh dưỡng, để từ đó có chế độ dinh dưỡng hoặc những chăm sóc đặc biệt.

hon-nua-chang-duong

Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra chặt chẽ huyết áp của bạn để tránh trường hợp rối loạn huyết áp, đề phòng tiền sản giật và sản giật về sau. Trong trường hợp bạn cần thực hiện một số phẫu thuật sản phụ khoa như khâu vòng cổ tử cung trong trường hợp mẹ bị hở eo tử cung thì cũng sẽ được làm trong giai đoạn này vì sẽ không dọa sinh non cũng như không gây nên ảnh hưởng nào cho sự phát triển của thai nhi.

Những thăm khám cơ bản của bác sĩ với bạn là: Thử máu, thử nước tiểu, cân trọng lượng, đo huyết áp, đo bề cao tử cung, nghe tim thai, siêu âm, thực hiện xét nghiệm Triple Test…

2. Siêu âm

Ở 3 tháng giữa thai kỳ, bạn sẽ được bác sĩ hẹn siêu âm lần nữa. Nhiều bà mẹ rất hồi hộp với lần siêu âm này vì có thể biết được giới tính thai nhi, biết mình mang thai bé trai hay bé gái. Tuy nhiên, xin nhắc bạn rằng việc xác định giới tính thai nhi chỉ nên là việc phụ, vì mỗi đứa trẻ sinh ra dù trai hay gái đều là một món quà kỳ diệu tạo hóa mang đến cho bạn. Quan trọng là trong lần siêu âm này, bạn sẽ được kiểm soát lại kỹ lưỡng lần nữa mọi bất thường của con mà lần siêu âm trước (trong tam cá nguyệt thứ nhất) có thể chưa hé lộ ra.

hon-nua-chang-duong

Ở lần siêu âm này, bé không còn là một “hình hài mơ hồ” mà đã rõ rệt như một đứa trẻ. Hầu hết bác sĩ đều sẽ gửi cho bạn các bức ảnh chụp bé từ máy siêu âm. Bé sẽ được kiểm tra xem: Đầu có bình thường, có vấn đề gì về não không, có bị hở hàm ếch không, kích thước và hình dạng thai nhi có ổn không, tay chân, các cơ quan bên trong có dấu hiệu gì nghi ngờ không… Nói chung là đánh giá các bất thường về hình dạng, cấu trúc của cơ thể hoặc các cơ quan nội tạng thai nhi nếu có để phát hiện và đưa ra hướng xử trí kịp thời, đánh giá vị trí và tình trạng nhau thai cũng như lượng nước ối, đánh giá phần nào sự phát triển của thai nhi nhằm phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng trong bào thai hoặc thai quá to.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bác sĩ sẽ chỉ định để bạn thực hiện tiếp các xét nghiệm khác. Bạn cần lưu ý một điều quan trọng, không phải bất cứ rối loạn, bất thường nào cũng có khả năng phát hiện bằng siêu âm. Do đó, đừng đặt câu hỏi tại sao tôi đã siêu âm hết sức bình thường, các bác sĩ không phát hiện gì mà đến khi chào đời, bé vẫn có một bất thường nào đấy.

Siêu âm là phương pháp an toàn nhất có thể cung cấp thông tin về thai nhi trong bụng mẹ như thế nằm của thai, thai bình thường hay bất thường, sự phát triển của thai, kích thước của thai…

3. Tiêm chủng

Trong tam cá nguyệt thứ hai, bạn có thể sẽ được đề nghị tiêm chủng cúm, uốn ván. Nên tiêm phòng cúm nếu 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ trùng hợp với mùa cúm ( từ tháng 10 cho đến hết tháng 2 của năm kế ). Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm lịch tiêm chủng vắc-xin uốn ván như sau:

Lịch tiêm chủng vắc-xin uốn ván cho phụ nữ mang thai:

Mũi 1: Càng sớm càng tốt khi có thai lần đầu hoặc nữ 15 -35 tuổi ở vùng có nguy cơ mắc uốn ván sơ sinh cao.
Mũi 2: Ít nhất 4 tuần sau mũi 1.
Mũi 3: Ít nhất 6 tháng sau mũi 2 hoặc trong thời kỳ có thai lần sau.
Mũi 4: Ít nhất 1 năm sau mũi 3 hoặc trong thời kỳ có thai lần sau.
Mũi 5: Ít nhất1 năm sau mũi 4 hoặc trong thời kỳ có thai lần sau.

4. Bồi dưỡng cho mẹ

Mẹ cần nhớ!

Trong 3 tháng giữa thai kỳ, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng nôn ói, ăn mất ngon, vàng da, mệt mỏi, ngứa ngáy, bạn không được chủ quan bỏ qua mà phải chủ động báo ngay với bác sĩ. Đây có thể là những dấu hiệu của một bệnh gan nặng được gọi là ứ mật thai kỳ.

 

Tam cá nguyệt thứ hai, những cơn ốm nghén đã lùi hẳn nên bạn cần tận dụng khoảng thời gian này để bồi bổ cho mình thật tốt, nhằm cung cấp một lượng dinh dưỡng cần thiết cho bé yêu trong bụng phát triển hoàn hảo.

Bạn nên ăn đủ các nhóm thực phẩm:
– Nhóm tinh bột gồm: gạo, mì, bắp…
– Nhóm chất đạm gồm: thịt, cá, trứng, tôm cua, đậu đỗ…
– Nhóm chất béo gồm: dầu, mỡ (hạn chế mỡ động vật trừ mỡ cá)
– Nhóm vitamin, chất khoáng và chất xơ gồm: rau xanh và quả chín.

Bạn nên đặc biệt chú ý đến việc cung cấp các vitamin, khoáng chất dồi dào cho cơ thể như: sắt, canxi, magiê, kẽm, vitamin B, acid folic, vitamin A, C, E, D… Tránh ăn ngọt quá nhiều, ăn mặn quá nhiều. Tránh các loại thực phẩm có khả năng gây nguy hiểm cho bé yêu như đu đủ xanh, cá biển có nhiều thủy ngân…

5. Mua sắm

Đừng đợi sang đến tam cá nguyệt thứ ba mới bắt đầu chuẩn bị mua sắm. Hãy tận dụng giai đoạn cơ thể bạn còn nhẹ nhàng, sức khỏe đang ổn định nhất này đi tìm kiếm, chọn lựa dần những thứ cần thiết cho bé yêu và cho chính mình trong quá trình sinh nở. Việc ngắm nghía những món đồ bé xíu xinh xinh của con cũng sẽ khiến bạn vững tâm hơn cho chặng đường dài phía trước.

Trong giai đoạn này, bạn cũng có thể bắt đầu bàn tính với anh xã việc chuẩn bị phòng ốc cho bé (nếu cần thiết), tìm người giúp việc phụ bạn trong giai đoạn sinh nở. Kể cả những việc như sẽ sinh ở đâu, bác sĩ nào trực tiếp đỡ sinh cho bạn… cũng đã có thể tính tới trong lúc này rồi.

Bác sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt
(BV Đại học Y Dược) 

Đừng sợ ác mộng!

Ở tam cá nguyệt thứ hai, khi bé yêu hiện hữu rõ rệt hơn với mẹ thì việc mẹ bị ám ảnh với việc sinh nở lại cũng trở nên đậm nét hơn. Những giấc mơ hơi rùng rợn, những cơn ác mộng có thể xuất hiện. Nhưng bạn đừng sợ hãi vì đây là điều hết sức bình thường. Hãy chia sẻ lo lắng đó với người thân, thư giãn, nghỉ ngơi nhiều hơn. Trong phòng ngủ nên treo những bức ảnh trẻ em đáng yêu. Những hình ảnh đó sẽ ăn sâu vào tiềm thức, giúp các giấc mơ của bạn nhẹ nhàng hơn. 

Tags:

Bài viết liên quan