Mẹ&Con – Ở tuần thai thứ 35 trong số 40 tuần thai kỳ, thận của bé đã hoàn toàn phát triển và gan bắt đầu xử lý chất thải…
Tuần 35 của thai kỳ
Ngày thai thứ 239 – 245 (ngày 253 – 259 tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối)
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?
Đầu tử cung của mẹ nằm trên rốn khoảng 15,3cm. Thời điểm tuần thai thứ 35 trong số 40 tuần thai kỳ, bạn có thể tăng được từ 11 kg – 13kg.
Nếu mẹ cảm thấy khó thở, đó là do tử cung đang nằm sát bên dưới khung xương sườn. Càng bước vào những tháng cuối của thai kỳ, em bé sẽ càng hạ xuống dưới, nằm sâu hơn vào xương chậu. Điều này khiến cơ hoành sẽ được giảm áp lực, giúp tình trạng khó thở của mẹ được giảm thiểu đáng kể. Tuy nhiên, điều này lại có thể làm tăng áp lực lên bàng quang khiến mẹ đi tiểu nhiều hơn.
Chuyện gì đang diễn ra với em bé trong bụng?
Tuần thứ 35 trong số 40 tuần thai kỳ, phần lớn sự tăng trưởng của em bé đã hoàn thành. Thận của bé đã hoàn toàn phát triển và gan bắt đầu xử lý chất thải. Và cũng bởi bé đã phát triển khá hoàn thiện, nên có thể mẹ sẽ nhận thấy rằng con không còn “tập aerobic” trong bụng nữa vì thiếu không gian. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mẹ sẽ không cảm thấy bé cử động. Bé vẫn thường xuyên đạp vào bụng mẹ, chỉ là với tần số ít và nhẹ nhàng hơn thôi.
Kích thước của em bé
Tuần thai thứ 35 trong số 40 tuần thai kỳ, bé đạt chiều dài từ 43,18cm – 45,7cm và cận nặng khoảng từ 2,5kg – 2,7kg.
Càng bước vào những tháng cuối của thai kỳ, em bé sẽ càng hạ xuống dưới, nằm sâu hơn vào xương chậu. (Ảnh minh họa)
Những việc mẹ nên làm lúc này
Trường Cao đẳng sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo mẹ bầu nên chú ý tới tần suất và số nhịp thai máy của thai nhi. Cụ thể là khi thực hiện 10 cú đạp, sột soạt, lăn hoặc di chuyển… em bé thường hoàn thành trong thời gian bao lâu?
Nếu bé mất khoảng 2 giờ để thực hiện những cử động thai máy trên, nghĩa là chúng hoàn toàn khỏe mạnh. Còn nếu sau nhiều giờ mẹ vẫn chưa thấy con thực hiện đủ những cử động thai máy trên, e là điều chẳng lành và mẹ cần báo với bác sĩ càng sớm càng tốt.
Mẹ có thể sử dụng sổ tay, nhằm ghi lại các chuyển động một cách chính xác hơn.
Lời khuyên giúp việc mang thai tốt hơn
Chỉ còn một vài tuần nữa là bé sẽ ra đời rồi. Thông qua các mối quan hệ, mẹ hãy tìm một vị bác sĩ đỡ đẻ “mát tay” đón con chào đời nhé.
Lời khuyên cho các ông bố
Trong khi vợ bạn sinh con, bạn muốn ở bên cạnh và làm những gì? Xin ý kiến của bác sĩ về những điều này. Họ có cho phép bạn cắt dây rốn hay quay video cảnh bé ra đời không…? Hãy tìm hiểu tất cả những điều đó và đưa ra quyết định.