Mẹ&Con – Trong quá trình mang thai, mẹ bầu thường bị tăng cân quá mức, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi. Vậy tăng cân trong thai kỳ như thế nào cho hợp lý?
Như mọi người đều biết, tăng cân trong thai kỳ là việc làm cần thiết để đảm bảo sức khỏe của mẹ cũng như sự lớn lên của thai nhi. Nếu mẹ tăng cân quá ít thì thai sẽ chậm phát triển, bé sinh ra dễ bị suy dinh dưỡng, và thai phụ có thể đẻ non. Ngược lại, nếu tăng cân quá nhiều thì thai phụ lại có nguy cơ bị tiểu đường, cao huyết áp hoặc khó sinh…
Từ xa xưa, các cụ đã quan niệm rằng phụ nữ mang thai cần ăn cho hai người nên việc tăng cân nhanh chóng trong suốt thai kỳ là hoàn toàn bình thường và không gây tác hại gì. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tăng gấp đôi khẩu phần ăn và lượng thực phẩm vào cơ thể không những không cần thiết mà còn gây những rắc rối cho cả mẹ và con. Thay vì chú trọng tăng lượng thức ăn, hãy quan tâm đến chất lượng dinh dưỡng vào cơ thể.
Thông thường, một người phụ nữ chỉ nên tăng 10 – 15 ký trong suốt 40 tuần của thai kỳ. Trong trường hợp mang đa thai hoặc có các biến chứng thai kỳ thì có thể sẽ tăng hơn. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, nhiều mẹ bầu sẽ tăng cân nhẹ, nhưng cũng có người bị sụt cân. Ốm nghén cộng với việc thay đổi trong khẩu phần ăn có thể sẽ làm sụt một vài ký. Tuy nhiên, 2 tam cá nguyệt tiếp theo, hầu hết các mẹ bầu đều dần dần lấy lại cân nặng ban đầu và bắt đầu tăng cân.
Mức tăng cân lý tưởng trong suốt thai kỳ:
-
Tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu): 900 gram – 1,8 ký
-
Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa): từ 5 – 6 ký
-
Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối): Khoảng 3 – 5 ký
Hậu quả của tăng cân quá mức khi mang thai
Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy việc tăng cân trong thai kỳ quá mức có thể gây tác hại đối với sức khỏe của mẹ bầu và trẻ sơ sinh. Cụ thể:
- Mẹ khó sinh do thai nhi lớn, cơ thể mẹ béo phì
- Trẻ nặng cân dễ có vấn đề tiểu đường
- Trĩ, rạn bụng, các vấn đề với vùng xương chậu
- Khó chịu và nóng hơn những mẹ bầu khác
- Đau lưng, đau chân, phù chân và khó khăn trong đi lại
- Tăng huyết áp và nguy cơ tiền sản giật, tiểu đường thai nghén
- Chèn ép lên các bộ phận khác như tim, gan và thận
- Nguy cơ kháng insulin và tiểu đường cấp độ 2…
Trên đây là những chia sẻ xung quanh vấn đề tăng cân trong thai kỳ như thế nào là hợp lý. Hy vọng rằng, thông qua những chia sẻ này, các mẹ bầu đã có cho mình những kiến thức thật bổ ích để có một thai kỳ thật khỏe mạnh. Không tăng cân quá mức hoặc cũng không vì giữ dáng mà ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.