Mẹ&Con – Bước vào tuần thai thứ 32 trong số 40 tuần thai kỳ, lưu trữ máu cuống rốn của bé là việc quan trọng mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng nên cân nhắc.
Tuần 32 của thai kỳ
Ngày thai thứ 218 – 224 (ngày 232- 238 tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối)
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?
Tuần thai thứ 32 trong số 40 tuần thai kỳ, đầu tử cung của mẹ nằm trên rốn khoảng 13cm. Vì đầu tử cung nằm ở vị trí cao, nên mẹ có thể gặp các vấn đề về hô hấp hoặc cảm thấy khó thở. Áp lực tử cung đè lên cơ hoành ngày càng tăng, chính là nguyên nhân khiến mẹ bị ợ nóng nhiều hơn.
Tại thời điểm này, nhiều khả năng mỗi tuần mẹ sẽ tăng thêm khoảng 0,5kg. Lượng máu trong cơ thể đã tăng thêm 40% – 50% trong 32 tuần qua, cho phép cơ thể thoải mái cung cấp máu cho cả mẹ và em bé. Điều này rất quan trọng, bởi lượng máu này sẽ bù đắp cho lượng máu mẹ bị mất đi lúc sinh con.
Chuyện gì đang diễn ra với em bé trong bụng?
Bé đang tiếp tục phát triển, móng chân và móng tay đã được hình thành. Phổi cũng đang tiếp tục trưởng thành, nhưng vài tuần nữa mới đạt tới mức hoàn thiện. Bộ xương của bé đã hoàn toàn hình thành, nhưng xương của bé ở tuần 32 trong số 40 tuần thai kỳ rất mềm và dễ uốn.
Kích thước của em bé
Tuần thứ 32 trong số 40 tuần thai kỳ, bé dài hơn 41cm và nặng khoảng 2kg.
Bé đã được 2kg khi bước vào tuần thai thứ 32. (Ảnh minh họa)
Những việc mẹ nên làm lúc này
Mẹ đã quyết định việc giữ lại cuống rốn của bé hay không chưa? Nhiều người chưa hiểu việc lưu trữ cuống rốn ở trẻ sơ sinh có tác dụng gì, Mẹ&Con xin được tóm tắt như sau:
Máu cuống rốn là máu còn sót lại trong cuống rốn và nhau thai của bé. Thông thường, chúng sẽ bị loại bỏ nhưng hiện nay, việc lưu trữ máu cuống rốn đang được coi trọng hơn.
Tế bào gốc từ máu cuống rốn qua công nghệ xử lý sẽ tạo ra các tế bào máu, tế bào mỡ, tế bào cơ tim, tế bào thần kinh, tế bào tụy, tế bào gan. Các tế bào máu này có khả năng chữa trị cho nhiều bệnh tật, đặc biệt là nhiều loại bệnh hiếm gặp hay bệnh ác tính cũng có thể được điều trị thành công bằng tế bào gốc.
Việc lưu trữ cuống rốn không chỉ nhằm bảo đảm trong tương lai nếu bé (chủ nhân dây rốn) chẳng may bị bệnh, cần dùng tế bào gốc để chữa. Máu cuống rốn được lưu trữ sẵn này còn có thể dùng để chữa trị cho cả người thân của bé. Do đó máu cuống rốn trở thành một loại thuốc quý, cần lưu giữ để dự phòng về sau.
Lời khuyên giúp việc mang thai tốt hơn
Tuần trước, Mẹ&Con có đề cập tới cơn gò thắt Braxton Hicks. Nếu mẹ vẫn đang gặp những cơn gò thắt đó ở tuần thai thứ 32 trong số 40 tuần thai kỳ, thì dưới đây là một số phương pháp giúp mẹ giảm bớt đau đớn:
- Thay đổi tư thế. Nằm xuống nếu mẹ đã đứng khá lâu, hoặc đi bộ nếu mẹ đã ngồi hoặc nằm một thời gian.
- Tắm nước ấm trong khoảng 30 phút.
- Uống một vài ngụm nước nhỏ, bởi cơ thể càng mất nước nhiều, các cơn gò thắt càng xuất hiện nhiều và gây đau đớn hơn.
- Uống một tách trà thảo mộc hoặc sữa ấm.
- Nếu đã thứ hết những cách trên mà vẫn không làm giảm được cơn go thắt, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Lời khuyên cho các ông bố
Việc sắp sửa thêm thành viên mới trong gia đình có thể khiến các ông bố hơi “rối rắm” một chút. Nếu bạn là người bận rộn, thường xuyên phải đi công tác xa… hãy lên kế hoạch để được ở cạnh vợ trong khoảng thời gian cô ấy lâm bồn và chào đón bé yêu ra đời.
Bên cạnh đó, không thể không nghĩ tới việc dành thời gian cho vợ con trong những ngày cô ấy ở cữ. Liệu bạn có thể làm việc tại nhà 1, 2 tuần được không? Sự có mặt của bạn sẽ hỗ trợ vợ rất nhiều, cả về tinh thần cũng như thể chất đấy. Hai vợ chồng hãy bàn bạc và thống nhất với nhau để tìm ra phương án phù hợp nhất nhé!