Chồng chị làm kỹ sư xây dựng, thu nhập của anh đủ để nuôi bốn miệng ăn trong gia đình. Hàng tháng, chồng đưa vợ khoảng 8 triệu đồng lo tất cả các khoản ăn uống, điện nước của gia đình cũng như học hành của hai đứa con 15 và 12 tuổi. Nhiều lần chị cố bớt xén tiền chợ để dành dụm, đề phòng những khoản phát sinh nhưng chưa tháng nào thành công. Vì thế, muốn mua sắm gì ngoài những tiêu dùng cố định hàng tháng, chị đều phải nhắc chồng. Ví dụ, tháng 9 vừa rồi bọn trẻ đóng tiền đầu năm học và mua sắm sách vở, đồng phục hơi tốn kém, chị gợi ý chồng đưa thêm tiền. Thấy lý do chính đáng, anh vui vẻ không thắc mắc gì.
Lương anh khoảng 15 triệu đồng, anh giữ một phần để giao tiếp với bạn bè, còn lại gửi tiết kiệm. Anh tự mình quản lý sổ tiết kiệm chứ không nhờ đến vợ. Đôi lúc chị cũng hơi chạnh lòng, muốn có thêm đồng ra đồng vào để thoải mái chi tiêu hơn, nhưng ở nhà lâu đâm quen và ngại đi làm. Rồi lại nghĩ đến nhiệm vụ cơm nước cho hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, cùng một tá việc nhà không tên khác, chị tặc lưỡi an phận.
“Mình không có nhiều nhu cầu mua sắm, cuộc sống đơn giản thế này cũng quen, còn hơn hàng xóm vợ chồng cùng đi làm rồi về cãi nhau tiền anh tiền tôi, việc nhà đùn đẩy nhau và giờ họ đã bỏ nhau”, chị Thanh tự an ủi.
Người phụ nữ ở nhà nội trợ, gia đình được chăm sóc tốt hơn nhưng cái lợi quá nhỏ so với cái hại
Còn chị Mai Hương (quận Gò Vấp, TP HCM), sau một thời gian hài lòng với việc ở nhà nội trợ chăm con, nay bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm. Tốt nghiệp đại học loại giỏi, từng giữ vị trí kế toán trưởng và trợ lý giám đốc, nhưng suốt 7 năm nay chị Hương chỉ quanh quẩn công việc nội trợ ở nhà.
Sau khi sinh con đầu lòng, chị bị thoái hóa 3 đốt sống lưng và thoát vị đĩa đệm nên sức khỏe không đảm bảo cho công việc văn phòng. Trong lúc chị đang băn khoăn tìm việc mới thì ông xã thuyết phục vợ ở nhà nội trợ, trông con. Nhìn vợ cặm cụi làm việc mà lương cũng chỉ bằng nhân viên bình thường trong công ty do anh làm giám đốc, anh không đồng ý để vợ đi làm tiếp. Anh hứa sẽ chung thủy, sẽ lo cho vợ con đầy đủ nên chị yên tâm ở nhà chăm sóc chồng con.
Sau một thời gian, cảm thấy nhàm chán với việc quanh quẩn trong nhà, chị xin chồng cho đi học cao học theo một chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài. Chị mong muốn được hỗ trợ anh trong công việc. Ban đầu anh tỏ ra ủng hộ vợ, nhưng sau khi chị thi đỗ thì anh khuyên vợ ở nhà với lý do công ty của anh đang làm ăn thua lỗ, anh không có đủ tiền cho vợ đóng học phí.
Gần đây, công việc làm ăn không suôn sẻ, anh suốt ngày về nhà kêu kẹt tiền rồi nợ nần. Có bao nhiêu tiền dành dụm từ hồi đi làm, tiền mừng cưới… chị đưa chồng tất, thậm chí về quê vay mượn họ hàng và bố mẹ đẻ. Số tiền vài ba tỷ đồng, không lớn so với công việc làm ăn của chồng nhưng là gia tài tích góp cả đời của cha mẹ chị. Chị rất sốt ruột khi chồng không có ý định trả khoản nợ vợ vay giùm. Điều khiến chị Hương buồn nhất dẫn đến nguy cơ trầm cảm là thường xuyên bị chồng chê “đầu bã đậu”.
Giáo sư tiến sĩ Vũ Gia Hiền cho rằng, trong xã hội hiện đại, người phụ nữ nếu chỉ ở nhà nội trợ sẽ không có giao lưu tiếp xúc với xã hội, dễ trở nên lạc hậu với thời cuộc. Theo ông, trong xã hội ngày nay giao tiếp cũng là một cách giúp con người năng động và hạnh phúc hơn.
“Ở nhà nội trợ là hình ảnh người phụ nữ xưa, không phù hợp với xã hội ngày nay”, giáo sư Hiền nhận xét. Ông so sánh những lợi – hại đối với bản thân người phụ nữ khi ở nhà nội trợ: “Con cái được chăm sóc tốt hơn, việc bếp núc trong nhà chu toàn hơn, nhưng cái lợi quá nhỏ so với cái mất”.
Nếu chồng là người gia trưởng, thu nhập tương đối, thích được lo lắng tất cả cho vợ con, người vợ ở nhà cũng còn có chút gì đó được an ủi. Tuy nhiên, có rất nhiều ông chồng không thấy được sự hy sinh của vợ khi ở nhà nội trợ cơm nước, cho rằng vợ ăn bám, đem tiền về kèm theo kể lể, khinh miệt vợ lạc hậu, lúc đó cuộc sống của người phụ nữ sẽ khổ sở vô cùng.
Giáo sư Hiền cho rằng, tốt nhất chị em vẫn nên kiếm một công việc gì đó để được giao lưu xã hội. Một người ở nhà lâu, khi đi làm trở lại đương nhiên sẽ không tránh khỏi những khó khăn như khả năng chuyên môn nghề nghiệp bị mai một hay tâm lý ngại ngùng, ngại giao tiếp, ngại việc tuân thủ kỷ cương giờ giấc nơi làm việc. Tuy nhiên, nếu có quyết tâm cao độ, nội lực sẽ được thúc đẩy thì người đó vẫn có thể thành công. “Người phụ nữ nên đi làm để khẳng định mình, đóng góp cho xã hội và làm gương cho con cái”, giáo sư khuyên.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Lý Thị Mai cũng luôn khuyến khích người phụ nữ tham gia công việc xã hội và đi làm nếu không vì những lý do bất khả kháng phải ở nhà. Trong một buổi tọa đàm về chi tiêu gia đình tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM gần đây, bà khuyên chị em ở nhà nội trợ nên tìm một việc nào đó phù hợp với khả năng của mình để có thể tự chủ hơn về kinh tế, để được năng động hơn và có giao tiếp xã hội.
Đặc biệt khi đi làm sẽ hiểu rõ giá trị của đồng tiền, từ đó việc chi tiêu cũng hợp lý hơn. “Tôi mong chị em khi lập gia đình vẫn phải là người lao động. Hãy tìm công việc nào để khi có gia đình vẫn có thể tiếp tục công việc. Nếu sinh con, sau khi nghỉ chế độ thai sản 6 tháng, vợ chồng có thể tính tiếp, bàn bạc để tổ chức cuộc sống gia đình cho hợp lý”, bà Mai khuyên.
Dù thế nào, vợ chồng cũng phải chia sẻ với nhau bởi “Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”. Bà Mai vẫn còn nhớ ca tư vấn cho một chàng kiến trúc sư 33 tuổi quá mệt mỏi vì phải một mình đi làm nuôi vợ con. Khi cưới nhau, vợ chồng anh đều có công việc ổn định. Mang bầu, người vợ tự nguyện ở nhà để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Đứa con đầu lòng chưa kịp lớn, gia đình lại có thêm thành viên nữa. Ba năm 2 đứa con, vợ mệt mỏi vì ở nhà với bao nhiêu áp lực từ sự quấy khóc của con, với cháo bột bỉm sữa, còn chồng thì cảm thấy bị quá tải vì làm bao nhiêu mà vẫn không đủ tiền chi dùng gia đình. Anh bắt đầu thấy giận vợ và chán về nhà. Vợ cũng mệt mỏi trách chồng không hiểu mình. Cuộc hôn nhân của họ gần đến bờ vực.
Sau cuộc gặp chuyên gia tâm lý, cùng nói ra những nỗi niềm của mình khi gia đình chỉ có một người đi làm, họ quyết định đưa con đi gửi để người vợ trở lại với công việc. Lúc này, những căng thẳng tâm lý của cả hai vợ chồng mới được giải tỏa.