1. Con sẽ học được “nét mặt” của người khác
Bắt đầu từ khi học bò, bé sẽ biết quan sát nhiều hơn đến nét mặt, thái độ của người khác và hiểu những ý nghĩa ẩn chứa đằng sau từng động tác, nét mặt, biểu hiện ấy. Ví dụ khi bắt đầu thận trọng bò từng bước đầu tiên, bé thấy mẹ gọi, vẫy tay, vỗ tay, mỉm cười… bé sẽ hớn hở cố bò thật nhanh tới mẹ. Ngược lại, khi bé định bò tới ai đó nhưng người này thử nghiêm mặt lại, lắc đầu, bạn sẽ nhận ra bé phân vân, dừng lại, sau đó… bò sang hướng khác. Đây là một chuyện bình thường với người lớn nhưng lại là cả quá trình phát triển cho trẻ. Khi học được khả năng hiểu ngôn ngữ cơ thể, biết những động tác mang tính hiệu lệnh hoặc đoán ra nét mặt của người khác, bé đã “lớn” hơn trong quá trình hòa nhập vào thế giới xung quanh.
2. Khám phá thế giới “rộng lớn” biết bao!
Trước khi biết bò, không gian xung quanh bé chỉ gói gọn trong những gì bé chạm được, với tới. Nhưng ngay khi biết trườn, sau đó là biết bò, thế giới như mở rộng ra. Bé sẽ bắt đầu hiểu được khái niệm về “khoảng cách” theo cách đơn giản nhất: Bò một hồi sẽ đến được một thứ gì đó. Bé sẽ phát hiện ra những góc nhìn khác nhau của cùng một đồ vật, con vật. Bé sẽ khám phá được kích thước của một đồ vật sẽ tăng lên hoặc giảm đi khi bé bò lại gần hay bò ra xa. Tất nhiên, bé chưa thể biết tất cả những điều này một cách rõ ràng theo từng khái niệm được. Bé chỉ “cảm nhận” nó một cách mơ hồ, song đó chính là nền tảng đầu tiên, ăn sâu vào trí não non nớt, để bé có thể có được những bước phát triển tiếp theo.
3. Biết “đánh dấu” bằng thị giác những gì yêu thích
Bạn có bao giờ phát hiện ra rằng, nếu bạn ngồi trên xe cho người khác chở thì bạn rất khó nhớ đường đi, nhưng nếu bạn tự lái xe / chạy xe thì bạn sẽ nhớ đường đi một cách rõ ràng, sâu sắc hơn hẳn? Điều này tương đương với việc bé học bò. Trước khi biết bò, mỗi khi được mẹ ẵm đi, bé cũng được di chuyển một cách thụ động, nhưng bé sẽ không ấn tượng nhiều với thế giới quanh mình. Tuy nhiên, đến khi biết bò, tự mình khám phá được đâu là vị trí yêu thích để di chuyển một cách chủ động đến đó được thì bé sẽ vô cùng háo hức, vận dụng thị giác để đánh dấu những vị trí đáng nhớ này (nhằm có thể bò tới lần sau). Bằng cách đó, thị giác của bé phát triển, trí nhớ phát triển, khả năng quan sát, đánh giá đều phát triển.
4. Học cách ra quyết định
Khi còn được mẹ ẵm ngửa, bé hầu như không phải quyết định chuyện gì (hoặc chỉ có cơ hội quyết định rất ít). Trong khi đó, bắt đầu biết trườn, bò là bé sẽ buộc phải học cách chọn lựa và đưa ra những quyết định cho mình. Con sẽ tự suy tính xem nên bò hướng nào, nên tiến lên phía trước hay quay trở lại… Bò cụng đầu vào tường, bé sẽ tự trải nghiệm cảm giác “đau” và biết rằng không nên làm thế lần nữa. Việc này tạo nên cho bé những kinh nghiệm quý báu, những trải nghiệm mà chính bạn không ngờ tới là quan trọng cho bé biết chừng nào. Đứa trẻ có trải qua giai đoạn học bò nhờ thế trở nên “bản lĩnh” hơn, năng động và tự tin hơn sau này.
5. Tăng khả năng tập trung
Bắt đầu từ lúc học bò, khả năng tập trung của con sẽ tăng hơn hẳn. Bé chọn một điểm đến làm mục tiêu, sau đó sẽ biết cách dành trọn vẹn sự quan tâm cho mục tiêu này. Bé biết cách loại bỏ những chi tiết hấp dẫn chi phối khác bên ngoài để hướng sự tập trung của mình vào một chủ thể duy nhất và nỗ lực đạt đến nó. Kỹ năng này trẻ hoàn toàn chưa có được khi chưa biết bò, vì lúc đó mọi hành động của trẻ sẽ phụ thuộc vào mẹ rất nhiều. Ví dụ muốn di chuyển đến chỗ chú gấu bông yêu thích thì trước kia bé chỉ có thể trông mong vào việc mẹ có ẵm bé đến hay không thôi.
6. Học cách bộc lộ cảm xúc rõ rệt hơn
Những vui buồn, bực tức, sung sướng… sẽ được bé cảm nhận và thể hiện một cách rõ rệt, sâu sắc hơn nhiều kể từ lúc biết bò. Khi nỗ lực thật nhiều để bò đến chỗ mẹ và được mẹ vỗ tay khích lệ, khen ngợi, reo vui, con sẽ thật sự cảm nhận được niềm vui “chiến thắng”. Tương tự thế, khi bị mẹ ngăn trở, không cho bò tới chỗ bé thích, bé sẽ học được cách biểu lộ sự “bực tức” mạnh mẽ hơn. Những cảm xúc mới mẻ nảy sinh trong con và đó là quá trình giúp bé hòa nhập nhanh chóng, dễ dàng vào cuộc sống rộng mở phía trước. Bé trở nên độc lập, cá tính, biết thể hiện rõ những mong muốn của mình. Bạn sẽ bất ngờ về thiên thần bé bỏng khi thấy con bày tỏ những cảm xúc này mạnh như người lớn đấy.
Nên đưa bé đến bác sĩ nếu khi bò, con xuất hiện những dấu hiệu bất cân xứng như: Bé đẩy ra chỉ với một cánh tay hoặc kéo một bên cơ thể của mình khi bò ở sàn nhà. Trường hợp này bé cần được giúp đỡ thêm.
Đừng để bé nằm ngửa suốt ngày trong quá trình con đang cần học hỏi với thế giới xung quanh. Việc để bé nằm ngửa quá nhiều, không cho con cơ hội luyện tập cơ bụng của mình sẽ có thể khiến bé chậm biết bò hoặc bỏ qua hẳn giai đoạn bò.
Bác sĩ Bùi Thị Lập
(BV Nhi Đồng 1)
Bé sẽ nhanh biết bò nếu…
Kiểm soát cổ và đầu tốt: Khi được cho nằm sấp, tập luyện ngóc đầu lên mỗi ngày, cơ cổ và đầu của bé trở nên cứng cáp. Bé có thể quay ngang quay dọc dễ dàng khi học bò.
Ngồi vững vàng: Bé tự ngồi được vững vàng, không cần mẹ giúp đỡ nghĩa là bé đã phát triển mạnh các cơ bắp, sẵn sàng cho việc học bò.
Phối hợp được trái phải: Bé chỉ có thể thật sự bò được sau quá trình chống đầu gối nếu như kết hợp nhuần nhuyễn được tay bên này với chân bên kia trong quá trình đẩy người lên.
Dù nhiều lúc sợ đến thót tim trước những “liều lĩnh” của con, nhưng bạn đừng nên cản trở bé mà hãy cố gắng giúp con phát triển hoàn hảo nhất quá trình khám phá thế giới xung quanh. Hãy cúi người xuống thật thấp ngang tầm nhìn của con để có thể quan sát tất cả những nguy cơ có thể xảy ra cho trẻ và tạo nên một môi trường an toàn giúp bé học bò.