Bẹt đầu là hiện tượng rất dễ gặp ở trẻ sơ sinh. Vấn đề là bạn cần biết cách để phòng tránh và khắc phục.
Đầu con làm sao thế?
Đừng quá hoảng sợ khi phát hiện ra đầu bé méo, móp ở một bên nào đó. Hiện tượng này xuất hiện thường là do bé được mẹ đặt nằm cùng một tư thế, trong một thời gian kéo dài. Khác với người lớn, khu vực đỉnh đầu của trẻ sơ sinh còn rất mềm do vùng xương sọ chưa hoàn thiện. Ngoài ra, bé có hai thóp mềm trên đầu, những thóp này cho phép đầu bé khá linh hoạt trong quá trình chào đời. Chúng cũng thích ứng với sự phát triển nhanh của bộ não trong những tháng đầu sau khi sinh. Nhưng cũng chính vì sự “linh hoạt” này nên khi nằm lâu ở cùng một tư thế, bé sẽ bị ảnh hưởng đến hình dạng của đầu.
Việc bẹt / méo đầu dễ phát hiện nhất khi bạn nhìn con từ trên xuống dưới. Bạn có thể thấy phía sau đầu của bé phình to hơn những chỗ khác. Các xương gò má như nhô ra, còn tai dường như bị đẩy về phía trước. Đầu bé cũng có thể bị méo một bên. Tức là nhìn vào, thấy một bên đầu vẫn bình thường, bên kia thì cứ như “lún” vào. Tuy nhiên, nói để bạn… mừng là nếu phát hiện sớm và kiên trì, bạn sẽ giúp đầu bé “tròn” lại nhanh thôi.
Nếu đầu trẻ bị bẹt một cách rõ rệt ở khoảng ba tháng tuổi, bạn hãy kiên trì xoa nhẹ nhàng đầu con hằng ngày. Bạn có thể hỏi bác sĩ chuyên khoa để có được những bài tập đúng cách, những động tác “nắn đầu” nhẹ nhàng, không gây tổn thương cho trẻ và giúp đầu trẻ sớm trở lại hình dáng bình thường.
Trường hợp tình trạng bẹt đầu quá rõ rệt và có vẻ trở nên khó chỉnh, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ. Tình trạng bẹt đầu ở bé có thể được cải thiện trong vài tháng, dưới sự theo dõi của bác sĩ khi vùng xương sọ và xương cổ của bé cứng cáp hơn, chịu được nhiều áp lực từ bên ngoài. Bác sĩ cũng có thể cho con bạn mang một loại mũ đặc biệt để “nắn” lại hình dạng đầu bé. Việc “uốn nắn” thường được thực hiện khi bé 3-6 tháng tuổi. Nếu mẹ để lâu hơn (đưa bé đến bác sĩ khi bé đã lớn hơn), thời gian bé cần để điều chỉnh, uốn nắn lại “khuôn đầu” bằng những chiếc mũ dạng này cũng kéo dài hơn.
Bạn cần lưu ý một điều rất quan trọng là biện pháp “uốn nắn” này cần phải được bác sĩ trực tiếp thực hiện, theo dõi, chỉ định. Mẹ không bao giờ được phép tự ý dùng loại nón cứng nào để “nắn” lại đầu cho trẻ vì sẽ dễ có ảnh hưởng nặng nề hơn đến bé, thậm chí là ảnh hưởng não.
Tránh cho con bị… bẹt!
Tất nhiên “phòng bệnh” bao giờ cũng tốt hơn “chữa bệnh”. Thay vì đợi đến lúc trẻ bị bẹt đầu mới tẩn mẩn lo tìm cách nắn lại đầu cho con, sao bạn không thực hiện ngay những biện pháp giản đơn để tránh làm đầu bé yêu bị bẹt? Lời khuyên đầu tiên cho bạn là hãy cho bé có cơ hội nằm sấp khi bé thức (nằm sấp khi ngủ dễ là nguyên nhân gây đột tử ở trẻ). Lúc này, việc nằm sấp sẽ giúp bé có cơ hội phát triển cơ đầu, cơ cổ, đồng thời tránh được các điểm lõm trên đầu. Nhắc bạn thêm một lần nữa là ở độ tuổi này, bé chỉ được nằm sấp nếu như có mẹ ở ngay bên cạnh thôi nhé. Bạn không được để bé nằm sấp rồi sau đó rời khỏi phòng, dù chỉ là vài phút đâu!
Mẹ lưu ý!
Bạn nên cho trẻ đội mũ mềm khoảng 20 tiếng / ngày suốt trong 3 tháng đầu đời. Việc này sẽ giúp cho đầu trẻ được bảo vệ tốt hơn, khuôn đầu tròn hơn, ít khi bị bẹt/méo quá mức.
Bạn cũng nên thay đổi thường xuyên tư thế, vị trí nằm của con. Ví dụ như nếu bạn thường xuyên đặt bé ngủ ở một bên đầu bên phải trong tuần này thì qua tuần sau, hãy xoay đầu bé cho bé nằm nghiêng đầu về bên trái. Bạn cũng có thể tạo ra những việc kích thích bé xoay đầu, chẳng hạn như treo trên đầu nôi những món đồ chơi, lúc bên này, lúc bên kia, kích thích bé xoay đầu hướng sang phía này phía khác chứ không nằm cố định yên một bên đầu.
Một cách làm khác hiệu quả không kém là lúc bé thức hoặc bé chơi, bạn nên bế con trên tay để giảm thiểu việc cứ tạo áp lực đè lên vùng đầu của bé như lúc bé bị đặt nằm trong giường, cũi, xe đẩy cho trẻ sơ sinh. Bạn cũng cần lưu ý là khi đặt bé nằm xuống giường, phải đặt lưng bé xuống trước, sau đó điều chỉnh đầu bé cho phù hợp, thoải mái.
Gợi ý cuối cùng, một số hãng sản xuất đồ dùng trẻ em nổi tiếng đã cho ra đời những loại gối hình chữ U hay hình móng ngựa giúp tránh tình trạng bẹt đầu cho bé. Bạn có thể tìm thử tại các cửa hàng lớn xem sao. Ngoài ra, việc cho bé nằm trên những tấm đệm mỏng cũng giúp bé tránh được áp lực từ cũi hay nôi cứng lên vùng xương sọ phía sau đầu nữa đấy!
Bác sĩ Phạm Khuê Anh
(BV Nhi Đồng 1)
Theo nghiên cứu của các bác sĩ chuyên khoa Nhi ở Mỹ, có khoảng 40% trẻ sinh ra có nguy cơ bị bẹt đầu do những thói quen không tốt khi nằm ngủ.
Ngoài ra, cũng theo thống kê của Mỹ, những năm gần đây, hội chứng đầu bẹt ở trẻ sơ sinh có xu hướng gia tăng. Một phần là do xe đẩy ngày càng phổ biến hơn. Cha mẹ không ẵm trẻ nữa mà có thói quen thường đặt con vào xe đẩy, cho bé nằm cố định với một tư thế như vậy nhiều ngày, gây áp lực lên vùng xương sọ phía sau đầu.