Mẹ&Con – Vào cuối tuần 16 trong số 40 tuần thai kỳ, bé dài khoảng 13.4 cm và nặng khoảng 70.1 gram rồi đấy!

Tuần 16 của thai kỳ

Ngày thai thứ 106 – 112 (ngày 120 – 126 tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối)

Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?

Tuần thứ 16 trong 40 tuần thai kỳ, tử cung của mẹ tiếp tục phát triển to hơn và nặng khoảng 241 gram. Nhau thai của mẹ cũng ngày càng phát triển. Cơ thể mẹ sản xuất thêm một lượng nước ối khá lớn, khoảng 212 gram dịch ối bao quanh thai nhi để bảo vệ chúng suốt thời gian “làm tổ” trong bụng mẹ.

Khi mang thai, cơ thể mẹ sản xuất thêm 50% lượng máu. Gia tăng mức độ lưu thông máu sẽ làm khuôn mặt mẹ trở nên hồng hào, tươi sáng hơn. Còn về mức độ bóng nhờn là do thời điểm này, cơ thể mẹ cũng sản xuất các kích thích tố khiến tuyến dầu tiết ra nhiều hơn. Nếu da quá nhờn, mẹ có thể sử dụng sữa rửa mặt để làm sạch nhé.

Chuyện gì đang diễn ra với em bé trong bụng?

Đầu của bé thẳng hơn so với những tuần trước, một số bộ phận cơ thể phức tạp hơn cũng bắt đầu hoạt động, bao gồm cả hệ tiết niệu và hệ tuần hoàn.

Bé bơm khoảng 24 lít máu mỗi ngày. Vào tuần thứ 40, con số này sẽ tăng lên 1.800 lít mỗi ngày.

Kích thước của em bé

Vào cuối tuần 16 trong số 40 tuần thai kỳ, bé dài khoảng 13.4 cm và nặng khoảng 70.1 gram.

Nhật Ký Mang Thai: 40 Tuần Thai Kỳ Khỏe Mạnh (Phần 15) 4

Em bé trong bụng mẹ ngày càng lớn và đáng yêu hơn. (Ảnh minh họa)

Những việc mẹ nên làm lúc này

Sắp xếp công việc, mẹ cần có hẹn với bác sĩ trong tuần này. Ở tuần 16 trong tổng số 40 tuần thai kỳ, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ làm một số bài kiểm tra bao gồm: Siêu âm, kiểm tra Protein Alpha-Feta (AFP – đây là loại protein do nhau thai sản xuất)…

Có ba chất được sử dụng trong xét nghiệm này là AFP, hCG và Estriol. Trong đó: AFP (alpha-fetoprotein) là loại protein do thai sản xuất; hCG (human chorionic gonadotropin) là loại nội tiết do nhau sản xuất trong quá trình mang thai và Estriol là loại nội tiết estrogen được cả nhau và thai sản xuất.

Lần kiểm tra này, bác sĩ sẽ cho biết thai hiện tại có nguy cơ bị rối loạn di truyền nhiễm sắc thể không? Có cần phải làm thêm xét nghiệm khác nữa không. Để thuận lợi cho việc làm xét nghiệm, không loại trừ khả năng mẹ sẽ phải tiến hành chọc ối.

Một số vấn đề bác sĩ có thể thảo luận với mẹ ở lần thăm khám ở tuần thứ 16 trong 40 tuần thai kỳ:

1. Triệu chứng dây chằng tròn (Hiện tượng đau nhói hoặc đau âm ỉ ở phần bụng dưới hoặc bẹn. Các dây chằng bao quanh tử cung của thai phụ trong vùng khung xương chậu. Khi thai nhi phát triển, các dây chằng này căng và dày lên để đủ sức hỗ trợ tử cung. Tuy nhiên, những thay đổi này đôi khi có thể gây ra các cơn đau ở một hoặc cả hai bên bụng của thai phụ).
2. Sinh non
3. Các lớp học tiền sản

Lời khuyên giúp việc mang thai tốt hơn

Tuần thứ 16 trong số 40 tuần thai kỳ, mẹ có thể bắt đầu cảm nhận được những chuyển động thai máy đầu tiên của bé yêu đấy. Tuy nhiên, nếu là lần mang thai đầu tiên có thể mẹ sẽ phải đợi lâu hơn một chút. Số lần bé chuyển động và thời điểm bé chuyển động cũng khác nhau khi mẹ mang thai con rạ và con so.

Mẹ nên nằm nghiêng khi ngủ, từ tuần thứ 16 đến hết 40 tuần thai kỳ không nên nằm ngửa khi ngủ. Nếu không thoải mái, hãy sử dụng thêm sự hỗ trợ của các loại gối chuyên dành cho bà bầu.

Lời khuyên cho các ông bố
Hãy tạo sự liên kết với bé yêu trong bụng vợ bằng cách nói chuyện với chúng hàng ngày, vào buổi tối trước khi đi ngủ chẳng hạn. Nếu bạn không biết phải nói gì, đọc sách hoặc hát cho em bé nghe cũng là những gợi ý thú vị.

Bài viết liên quan