Mẹ&Con – Choáng váng, buồn nôn, đau lưng, tăng tiết dịch âm đạo… là một trong các dấu hiệu sinh non, mẹ bầu cần hết sức cẩn trọng.
Các dấu hiệu sinh non
Tăng tiết dịch âm đạo
Tăng tiết dịch âm đạo chính là dấu hiệu bất thường đầu tiên trong quá trình mang thai. Khi dịch âm đạo đột nhiên ra nhiều, vùng kín luôn trong tình trạng ẩm ướt, đôi khi dịch chảy ra còn kèm theo chút máu hoặc chất nhầy… thì đây là một dấu hiệu cảnh báo sinh non.
Xuất hiện các cơn co thắt
Ngoại trừ nguyên nhân do rối loạn tiêu hóa, khi mẹ bỗng cảm thấy đau co thắt bụng dưới, kèm theo chảy máu âm đạo hay những cơn co cơ do chuột rút, rất có thể đó là dấu hiệu sinh non.
Các cơn co thắt có thể xuất hiện nhiều hơn 6 lần/ giờ và mỗi lần kéo dài ít nhất 45 giây. Một số trường hợp co thắt nhưng không gây đau đớn, có thể bị chảy máu âm đạo kèm theo những cơn đau và bị chuột rút bất thường.
Tăng áp lực lên khung xương chậu
Thai nhi tụt xuống sâu có thể khiến mẹ có cảm giác như vật nào đó đang đè nặng trên khung xương chậu của mình. Tình trạng này làm mẹ có cảm giác nặng nề, đi lại khó khăn như các mẹ bầu ở giai đoạn cuối thai kỳ. Hiện tượng này cũng là một trong những các dấu hiệu sinh non, mẹ bầu cần cẩn trọng.
Choáng váng, buồn nôn
Triệu chứng buồn nôn diễn ra trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ là bình thường. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 20 – 37 tuần thai mà mẹ bầu vẫn còn cảm giác buồn nôn, kèm theo choáng váng, tiêu chảy thì đây có thể là một dấu hiệu xấu cho biết bé đang “đòi ra” dù chưa đủ ngày đủ tháng.
Đau lưng
Những mẹ bầu sắp sinh non thường cảm thấy phần thắt lưng hoặc phần lưng dưới đau dữ dội, dồn dập. Dù mẹ đã thử thay đổi tư thế hoặc cố gắng xoa dịu cơn đau bằng nhiều cách khác nhau cũng không thuyên giảm. Dấu hiệu này càng dễ nhận biết hơn nếu trước đó, cũng trong thai kỳ, mẹ chưa hề có những cảm giác này hoặc có nhưng rất ít.
Vỡ ối
Với các mẹ bầu bị vỡ ối, nước ối tuôn ào ạt thì đây chính là một trong các dấu hiệu sinh non rõ rệt nhất. Thế nhưng, một số mẹ bầu, nước ối chỉ nhỏ vài giọt nên rất dễ nhầm lẫn với tiểu són. Do đó, mẹ cần kiểm tra quần lót thường xuyên. Nếu thấy quần có dấu hiệu ướt khác lạ, không có mùi khai như nước tiểu thì có khả năng mẹ bầu đã bị vỡ ối.
Những thiệt thòi của trẻ sinh non
Đến với cha mẹ trong thể trạng yếu ớt, trẻ sinh non không chỉ cần sự nâng niu, kiên trì nuôi dưỡng từ gia đình, nỗ lực của các bác sĩ mà còn phải trông cậy rất nhiều đến phương pháp y học tiên tiến nhất để tồn tại.
Bởi lẽ, đa phần các bé sinh thiếu tháng đều vô cùng khó nuôi. Bé gặp nhiều khó khăn để làm quen với cuộc sống bên ngoài chiếc bụng ấm áp của mẹ. Các thống kê cho thấy, cứ 10 trẻ sinh non thì có 2 trẻ tử vong trong năm đầu đời.
Vừa lọt lòng, các bé đã phải đối mặt với nguy cơ di chứng về tinh thần và thể chất như nhẹ cân, chậm lớn, chậm phát triển về nhận thức, liệt não, động kinh… Hơn nữa, do phổi chưa trưởng thành nên bé còn có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản. Bé cũng là đối tượng dễ mắc các dị tật bẩm sinh như mù, câm, điếc…
Khả năng sống sót thấp
Hầu hết các bé sinh non được cung cấp chất dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch do bé còn quá non nớt để có thể bú, nuốt và thở cùng lúc. Có khoảng 80% bé sinh non sống sót, trong khi số còn lại sẽ tử vong do mắc các bệnh nhiễm trùng.
Suy hô hấp
Suy hô hấp là vấn đề lớn nhất mà các bé sinh non gặp phải, do phổi bé chưa trưởng thành. Sinh càng non tháng, bé càng có nguy cơ suy hô hấp.
Một chất giúp cơ thể bé trao đổi khí là chất surfactant được tiết ra từ tuần 28 của thai kì. Khi chào đời trước thời điểm này, bé sẽ thiếu hụt surfactant dẫn đến khó thở. Surfactant giúp giữ căng những túi khí tí hon trong phổi của bé. Nếu thiếu nó, đường thở sẽ bị xẹp, không thể trao đổi khí oxy và khí carbonic được.
Các bé mắc hội chứng suy hô hấp sơ sinh thì nguy cơ tiến triển thành hen suyễn khi trưởng thành càng cao.
Bệnh vàng da
Một đứa trẻ sinh đủ tháng, nguy cơ mắc bệnh lý vàng da chỉ khoảng 9%. Tuy nhiên, với trẻ sinh thiếu tháng, căn bệnh này chiếm tỷ lệ đến 30%.
Vì trẻ sơ sinh non tháng có các cơ quan phát triển kém hơn nên bilirubin – một sắc tố vàng da cam – thường khó chuyển hóa hơn. Trong khi đó, hầu hết trẻ sơ sinh chào đời đủ ngày đủ tháng đều có thể chuyển hóa bilirubin một cách dễ dàng và thải qua phân trước khi bilirubin tích tụ quá nhiều.
Nếu không được kiểm soát, mức bilirubin cao quá mức, bé có thể bị tổn thương não nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Rối loạn tiêu hóa
Trẻ sinh non hấp thu chất dinh dưỡng kém, có thể tích dạ dày nhỏ và men tiêu hóa ít. Vì vậy, bé sẽ thường xuyên bị nôn trớ, trướng bụng hoặc tiêu chảy, bú kém, khó bắt kịp sự phát triển của các bé cùng tuổi.
Bệnh nhiễm trùng
Sức đề kháng kém là nguyên nhân khiến trẻ sinh non dễ mắc các loại bệnh nhiễm trùng. Các bệnh nhiễm trùng dễ gặp ở trẻ sinh non có thể kể đến là nhiễm trùng máu, phổi, màng não, tủy sống, da, thận, bàng quang, ruột…
Chậm tăng trưởng thể chất
Một trong những nguy cơ trẻ sinh non có thể gặp phải nữa đó là chậm tăng trưởng thế chất hơn so với những đứa trẻ cùng lứa. Lý do là vì bé thiếu sữa hoặc khả năng hấp thu chất dinh dưỡng kém. Vì vậy, bé dễ còi cọc, chậm tăng cân, chậm mọc răng, chậm lẫy, khó phát triển chiều cao…
Dễ mắc bệnh tự kỷ
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho rằng, trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ cao gấp 5 lần so với trẻ sinh đủ tháng. Việc sinh thiếu tháng có mối liên hệ mật thiết với vấn đề nhận thức cũng như phát triển tinh thần của trẻ, trong đó có căn bệnh tự kỷ.
Hy vọng, các dấu hiệu sinh non trên sẽ giúp mẹ bầu sớm nhận biết những nguy hiểm rình rập thai kỳ để có cách bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như thai nhi tốt hơn. Chúc các mẹ có một thai kỳ khoẻ mạnh!