Mẹ&Con - Thức dậy vài lần trong đêm để đi vệ sinh, mang cái bụng ì ạch trằn qua trằn lại, những cơn ác mộng ở đâu cứ dồn dập ập đến… Giấc ngủ giờ đây bỗng trở thành nỗi ám ảnh với các bà bầu. 8 dưỡng chất cần thiết cho giấc ngủ 5 điều không nên làm trên giường ngủ Chăm sóc giấc ngủ cho bé

Trong tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ) và tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ), hầu hết thai phụ mang thai lần đầu đều gặp trở ngại ít nhiều với giấc ngủ của mình. Giấc ngủ của bạn không còn sâu, bạn khó dỗ mình ngủ ngon dù đã dùng đủ mọi cách. Mệt mỏi, ngủ không đủ giấc, đã thế bạn lại còn hay chập chờn thấy những cơn ác mộng mà tỉnh dậy toát hết cả mồ hôi. Nhưng đừng lo, thật sự bạn không phải là người duy nhất gặp phải khó khăn này, và khó khăn này cũng không phải là hoàn toàn không có cách giải quyết!

Sao mình trằn trọc hoài thế nhỉ?

Bạn bứt rứt tự hỏi như thế. Trước đây, khi còn con gái hay giai đoạn mới lấy chồng, bạn dễ ngủ lắm cơ mà. Nằm xuống là ngủ được ngay, có khi sáng bảnh mắt vẫn còn muốn nằm nán lại trên giường, “nướng” qua “nướng” lại. Cảm giác của bạn với giấc ngủ là giấc ngủ của mình thật sâu, thật ngon lành, sáng dậy thấy khỏe cả người. Nhưng từ khi mang thai, mọi thứ bỗng quay ngoắt 180 độ. Biết phải giữ gìn sức khỏe cho chính mình và cho con, nhưng mà bạn chịu, 2-3 giờ sáng vẫn không tài nào chợp mắt nổi! Mắt cứ tỉnh như sáo (đến sáng hôm sau thì lại mệt rã rời!), hoặc nếu ngủ được lại cứ bị cơn buồn tiểu đánh thức vài tiếng một lần. Giấc ngủ cũng không còn sâu, bạn cảm giác lúc nào cũng như mới vừa thiếp đi, vừa chợp mắt đôi chút đã phải choàng tỉnh dậy.

Tại sao bà bầu khó ngủ? 5

Có chuyện gì thế nhỉ? Bạn cần biết rằng có thai là một sự kiện trọng đại với… cơ thể của bạn. Hormone thay đổi, bạn đi vệ sinh lắt nhắt rất nhiều lần trong đêm. Đó là chưa kể, ở những tháng cuối thai kỳ, chiếc bụng bầu trở nên quá lớn, khó lòng khiến bạn có được tư thế nằm thoải mái như xưa nữa. Nhiều bà bầu xoay trở chật vật giữa… một đống gối khác nhau, cái đỡ dưới lưng, cái chèn bên trái, cái chèn bên phải. Thế thì may ra mới có được tư thế ngủ dễ dàng hơn một chút.

Thêm một lý do nữa là kích cỡ của em bé trong những tháng cuối ngày càng lớn, nên chèn ép lên bàng quang của bạn. Nếu có kinh nghiệm rồi thì bạn sẽ biết cách điều tiết chút ít, ví dụ như sẽ giảm lượng nước uống vào buổi chiều tối, và bù lại uống nhiều nước hơn ban sáng. Thế nhưng, với thai phụ mới mang thai lần đầu thì những điều này còn hết sức mới mẻ. Bạn không biết làm sao để xử trí những cơn buồn tiểu cứ nhè ngay lúc bạn vừa thiu thiu lại đến một lần để… dựng bạn dậy. Chưa hết, kèm theo đó còn là vô số phiền toái khác, như những cơn chuột rút (vọp bẻ) đau điếng hồn giữa đêm, hành bạn đang ngủ phải vật vã thức dậy để rồi khó lòng dỗ cho mình ngủ lại.

Ngoài ra, phải lưu ý rằng các thai phụ mang thai lần đầu rất dễ gặp ác mộng. Bạn đừng quá ám ảnh, sợ hãi khi nửa đêm bỗng choàng thức dậy vì một giấc mơ hãi hùng, mơ thấy những điều không hay, mơ thấy bé sinh ra bỗng… trượt khỏi tay mình hay có hình dạng kỳ quái. Hoàn toàn không có gì mê tín dị đoan ở đây cả! Và cũng đừng cho rằng đấy là điềm báo không lành! Bạn cần biết rằng một tỷ lệ… lớn kinh khủng các bà bầu mang thai lần đầu tiên gặp rắc rối này giống như bạn. Nguyên nhân đơn giản lắm: Bạn mang thai lần đầu, mọi thứ đều bỡ ngỡ, bạn stress và lo lắng nhiều hơn, tất cả những điều đó phản ánh qua giấc mơ. Vì vậy, thay vì trở nên bị ám ảnh, sợ hãi giấc ngủ (sợ ngủ rồi lại mơ như vậy nữa!), bạn hãy cố động viên mình rằng những cơn ác mộng đó chỉ là chuyện rất bình thường với bà bầu và nó sẽ nhanh chóng tan biến đi khi bạn thoải mái tinh thần, được nghỉ ngơi đầy đủ.

Ngủ ngon ư? Không khó!

Thật sự như vậy đấy chứ không phải chỉ là lời an ủi suông đâu. Cơ thể có những biến đổi, nhưng bạn cũng có những cách ứng phó để tìm lại giấc ngủ dễ dàng. Ví dụ như hệ tiêu hóa của thai phụ sẽ có nhiều thay đổi khiến bạn chịu những cơn khó tiêu, đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn… gây khó chịu, khó ngủ. Bạn có thể thay đổi bằng cách trong bữa tối chỉ ăn ít lại, ăn các thức ăn nhẹ, lỏng, dễ tiêu hóa. Đừng ăn quá no, nếu trước khi ngủ thấy đói bụng bạn chỉ cần uống thêm một ly sữa ấm nhỏ.

Tư thế ngủ cũng là điều bạn cần thay đổi. Nếu như trước kia bạn có thói quen ngủ nằm sấp, nằm ngửa thì khi biết mình mang thai, bạn nên tập dần sang tư thế nằm nghiêng. Những tháng cuối thai kỳ, có thể chèn gối êm để đảm bảo giữ được tư thế này, vừa giúp máu lưu thông dễ dàng đến thai nhi vừa giúp bạn ngon giấc hơn.

Với những giấc mơ, bạn có thể tự khắc chế nỗi sợ hãi của mình bằng cách ban ngày nghe nhạc nhẹ, chỉ xem những bộ phim vui nhộn, ngắm hình ảnh của các bé xinh xắn. Nếu có theo một tôn giáo nào đó và có đức tin, bạn đừng ngần ngại đặt lên ở đầu giường của mình một bức ảnh hay bức tượng nhỏ. Thực tế, điều này không mang ý nghĩa tôn giáo mà chính là mang ý nghĩa giúp bạn giảm đi nỗi lo lắng, sợ hãi mơ hồ, cảm thấy được chở che và bình yên hơn (cảm giác đó rất tốt cho thai phụ!). Bạn cũng nên nằm cạnh chồng lúc ngủ thay vì ngủ một mình. Có thể nắm tay anh ấy lúc ngủ. Nếu chẳng may thức dậy giữa đêm vì một cơn ác mộng, bạn hãy hít thở điều hòa trở lại, tự trấn an mình, luôn nhắc mình rằng đây chỉ là hiện tượng rất thường gặp của các bà bầu và chẳng có gì phải sợ hay ám ảnh cả.

Tại sao bà bầu khó ngủ? 6

Bạn cũng nên nói để chồng biết rằng bạn hay bị chuột rút giữa đêm. Khi bị thức dậy với một cơn đau thắt người do chuột rút, bạn cần sự phối hợp ăn ý từ anh ấy. Ví dụ như chỉ cần bạn ra dấu, chồng sẽ biết cách xoa bóp chân cho bạn, giúp bạn làm dịu cơn đau để nhanh chóng quay về lại giấc ngủ. Riêng với việc buồn tiểu thường xuyên, nếu trong phòng không có toilet riêng thì bạn nên chịu khó để một chiếc bô có nắp đậy gần giường. Bằng cách này, bạn đỡ phải đi tới đi lui, tránh thức dậy quá lâu sẽ khó chìm lại vào giấc ngủ. 

Bác sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt
(BV Đại học Y Dược) 

PHÒNG NGỦ CHO BÀ BẦU

– Phòng ngủ của bà bầu cần đảm bảo được cách âm tốt, không ồn ào.
– Bạn không nên mang những thiết bị điện tử như tivi, máy tính vào phòng ngủ sẽ khiến bạn khó ngủ hơn.
– Phòng ngủ nên được giữ sạch sẽ, thoáng đãng. Nên có cửa sổ để trao đổi khí với bên ngoài. Lưu ý là thân nhiệt của bà bầu cao hơn người bình thường nên bạn có thể mở máy lạnh, nhưng chỉ mở vừa đủ mát.
– Trang trí phòng với màu sắc sáng và dịu mát, ví dụ như xanh lơ, hồng nhạt. Nên có đèn ngủ với ánh sáng dịu nhẹ. Những yếu tố nhỏ này sẽ góp phần giúp giấc ngủ của thai phụ sâu và ngon hơn. 

Tags:

Bài viết liên quan