Mẹ&Con – Trẻ con rất hay bị ho, đặc biệt là vào ban đêm. Mẹ đã có cách nào hay để khắc phục tình trạng này chưa? Nếu chưa, hãy tham khảo bài viết dưới đây của Mẹ&Con nhé!

Nguyên nhân trẻ bị ho vào ban đêm

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là vào ban ngày, trẻ rất hay vận động, các chất tiết ra bên ngoài một cách dễ dàng. Còn ban đêm, khi ngủ, các chất ứ đọng trong cổ như đờm, nhầy gây kích thích ho, thậm chí khiến trẻ bị nghẹt thở.

Thứ hai, do thời tiết thay đổi, giao mùa, đặc biệt là vào những lúc trời lạnh, cơ thể bé chưa kịp thích ứng với sự thay đổi của môi trường. Đây là nguyên nhân thường hay gặp khiến trẻ bị ho vào ban đêm. Các mẹ có thể khắc phục nguyên nhân này bằng các biện pháp giữ ấm cho trẻ.

Thứ ba, đó có thể là tình trạng bệnh. Đa phần những cơn ho liên quan đến các bệnh về đường hô hấp như: viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang, viêm tai giữa… Vì thế, nếu trẻ ho thường xuyên và liên tục, mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ nhé.

Cách xử lý khi trẻ bị ho vào ban đêm 4
Trẻ rất hay bị ho vào ban đêm

Cách chăm sóc trẻ bị ho vào ban đêm

Trước khi cho con đi ngủ, bố mẹ hãy cho con uống một thìa mật ong ấm. Mật ong ấm sẽ giúp con hạn chế cơn ho, làm cơn ho dịu đi và giúp con ngủ ngon hơn. Lưu ý là không dùng mật ong cho bé dưới 1 tuổi nhé. Ngoài ra, bố mẹ hạn chế cho con ăn uống sát giờ đi ngủ. Tốt nhất, giờ ăn và giờ ngủ của con cách nhau ít nhất một giờ đồng hồ

Khi ngủ, hãy kê cao gối cho con ngủ, đầu và vai cao hơn thân, ngăn đờm nhớt hay nước mũi chảy xuống họng. Hãy giữ ấm cho con khi ngủ, không hở bụng, hở tay dễ khiến con bị nhiễm lạnh và ho nhiều hơn.

Nếu con bị ho nhiều, bố mẹ nên cho con uống nhiều nước, ăn cháo loãng, dễ tiêu, hạn chế ăn các loại thức ăn kích thích bé ho nhiều hơn như tôm, cua, ghẹ… Tránh cho con tiếp xúc với các môi trường nhiều khói thuốc, bụi đường, thú bông, hoa tươi… Điều này cũng khiến bé bị ho nhiều hơn.

Những trường hợp mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ

Khi trẻ có những triệu chứng dưới đây thì có thể là dấu hiệu của các bệnh viêm đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản… mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám:

  • Trẻ bị ho tím tái ở môi, ở đầu ngón tay, ngón chân
  • Trẻ ho và có dấu hiệu khó thở, thở nhanh hơn 60 lần/ phút
  • Trẻ ho nhiều, ho sặc sụa nhiều ngày liền không khỏi.

Trên đây là những thông tin cung cấp thêm cho các mẹ để biết cách chăm sóc con yêu đúng cách khi trẻ bị ho vào ban đêm. Hy vọng rằng, đây sẽ là những kiến thức thật bổ ích và cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.

Bài viết liên quan