Mẹ&Con – Khủng hoảng tuổi lên 3 là giai đoạn biến đổi tâm lý bình thường, hầu hết trẻ đều gặp phải. Thay vì bực tức tìm cách trút giận lên trẻ, cha mẹ hãy chấp nhận và cùng con bước qua cuộc khủng hoảng tinh thần này.
Chế ngự và giáo dục bé yêu trong thời gian nhạy cảm này thế nào? Kính mời quý phụ huynh đón đọc bài viết dưới đây:
Khủng hoảng tuổi lên 3 là gì?
Khủng hoảng tuổi lên 3 là một trong những cuộc đột biến về tâm lý đầu tiên, trong tám giai đoạn tâm lý đặc trưng ở mỗi con người: Thời thơ ấu (Sơ sinh – 1,5 tuổi); Thời thơ ấu (1,5 – 3 tuổi); Nhi đồng (3 – 5 tuổi); Thiếu nhi (5 – 12 tuổi); Vị thành niên (12 – 18 tuổi); Thanh niên (18 – 40 tuổi); Trưởng thành (40 – 60 tuổi); Về già (65+ tuổi).
Khủng hoảng tuổi lên 3 bắt đầu từ nửa cuối năm thứ 3 đến nửa đầu năm thứ 4 cuộc đời, hầu hết trẻ nhỏ đều bị ảnh hưởng tâm lý khủng hoảng tuổi lên 3.
Trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng, trẻ có nhiều sự thay đổi về tâm lý, thái độ, cách hành xử… đối với mọi người xung quanh theo hướng tiêu cực. Dù chỉ xảy ra vài tháng, song quá trình khủng hoảng tuổi lên 3 của trẻ thực sự là vấn đề nan giải, khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang, mệt mỏi.
Trẻ trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 thường biến đổi cảm xúc từ ngoan ngoãn trở thành ương bướng, hay khóc lóc, mè nheo, ăn vạ, cáu gắt… Chúng dường như cố tình chống lại thế giới xung quanh, chỉ khăng khăng làm theo ý mình và sẵn sàng chống lại nếu có ai đó ngăn chặn hoặc cấm đoán hành động của mình.
Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em bước vào giai đoạn này đều có những biểu hiện như trên. Một số ít trẻ mặc dù đang trong quá trình khủng hoảng tuổi lên 3 nhưng không có bất cứ phản ứng tiêu cực nào, chỉ lầm lì, ít nói.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng khủng hoảng tuổi lên 3
Xét về bản chất, có hai nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng tuổi lên 3 ở trẻ. Thứ nhất là mâu thuẫn giữa nhu cầu của trẻ với năng lực thực tế hiện có, thứ hai là giữa trẻ và người lớn không tìm được tiếng chung.
- Bước vào tuổi lên 3, trẻ bắt đầu nhận thức được mình là một cá nhân độc lập và cố gắng khẳng định tính độc lập, tự chủ đó. Sự “ảo tưởng” có thể làm được mọi thứ nhưng trên thực tế lại gặp nhiều khó khăn, thất bại, không hoàn thành mục tiêu là nguyên nhân khiến trẻ phản ứng tiêu cực lại với những thứ xung quanh.
- Từ việc cho rằng mình có thể làm mọi thứ nhưng lại là “ảo tưởng” khiến người lớn phải xuất hiện, kiểm soát và ngăn chặn khiến trẻ bức xúc. Không tìm được sự thỏa hiệp chung giữa hai bên nên đứa trẻ bắt buộc phải nảy sinh ra những phản ứng tiêu cực, bảo vệ lập luận của mình.
Tuy nhiên, nếu suy nghĩ rộng ra thì khủng hoảng tuổi lên 3 không hẳn là điều xấu. Trẻ không thể khôn lớn, trưởng thành nếu không có suy nghĩ, chính kiến riêng của mình. Phải có những điều này mới hình thành nên bản lĩnh và tính tự lập ở trẻ. Miễn là những điều này không vượt quá giới hạn, thì khủng hoảng tuổi lên 3 hoàn toàn là điều chấp nhận được.
Còn nếu những điều này vượt quá giới hạn cho phép và quy tắc đạo đức thì các bậc làm cha mẹ không thể làm ngơ, cần định hướng và uốn nắn ngay tức thời.
“Đặc trị” trẻ khủng hoảng tuổi lên 3, chuyện không khó
Khi biết nguyên nhân gây ra tình trạng khủng hoảng tuổi lên 3 ở trẻ, không quá khó để các bậc làm cha mẹ cùng con bước qua giai đoạn này một cách êm đẹp.
Dưới đây là một vài chiêu giúp “đặc trị” trẻ trong thời gian mắc khủng hoảng tuổi lên 3:
- “Lấy độc trị độc”
Nhiều đứa trẻ coi việc trêu chọc, khiến cha mẹ nổi đóa lên lại là một sự thích thú. Ví dụ, bé liên tục dùng cây gõ vào những thanh sắt ngoài cổng gây ra tiếng ồn khó chịu. Mặc dù vô cùng bực bội và dường như chỉ muốn lao ra, tét mông con vài cái nhưng lúc này nếu bạn nổi giận, tức đứa trẻ đã đạt được mục đích.
Hãy cố gắng tỏ ra vui vẻ, yêu cầu bé tiếp tục gõ vào cổng. Thái độ của cha mẹ đi ngược lại hoàn toàn so với dự tính sẽ khiến trẻ nhanh chóng mất hứng với trò phá phách của mình và dừng lại.
- Quy tắc phớt lờ
Giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 này cha mẹ càng quan tâm, lo lắng bao nhiêu trẻ sẽ làm tới bấy nhiêu. Lý do vì chúng nghĩ cha mẹ yêu thương mình như vậy, chắc chắn sẽ không từ chối những thứ mà mình đề xuất.
Bé rất thích món đồ chơi trên tivi và nài nỉ cha mẹ phải mua bằng được cho mình món đồ chơi đó, trong khi bạn lại không có đủ tiềm lực tài chính hoặc không thể tìm thấy món đồ chơi nào tương tự quanh khu vực sinh sống? Và khi bạn trả lời “Không”, chắc chắn trẻ sẽ hét ầm lên, khóc lóc vòi vĩnh bằng được?
Nếu sau khi giải thích lý do tại sao không thể mua cho chúng món đồ chơi đó, trẻ vẫn khóc hãy áp dụng “kĩ thuật phớt lờ”. Cha mẹ không cần dỗ dành quá nhiều, cứ chăm chú vào công việc khác. Dần dần, đứa trẻ sẽ hiểu việc mè nheo, ăn vạ không có tác dụng gì và sẽ chấm dứt tình trạng đó.
- Cho còn quyền lựa chọn
Giai đoạn trẻ chỉ khăng khăng làm theo ý mình, cha mẹ có cấm đoán cũng chỉ như “nước đổ đầu vịt” và rất dễ xảy ra xung đột. Thay vì cấm cản, hãy thỏa hiệp và cho con lựa chọn một cách khéo léo.
Chẳng hạn như khi bé không chịu uống nước cam, mẹ hãy để bé tự quyết “Con muốn uống ly nước cam lớn, hay uống ly nước cam nhỏ?”; Khi bé không chịu đi học, mẹ cũng có thể cho con chọn lựa: “Con muốn đi học sớm, buổi chiều mẹ tới đón sớm hay con muốn đi học trễ, và buổi chiều mẹ sẽ tới đón con trễ?” Bằng cách này, bé tuy “trúng kế” của cha mẹ nhưng bé sẽ chịu hợp tác hơn bởi được quyền tự chọn.
- Lạt mềm buộc chặt
Câu nói này không chỉ áp dụng trong đời sống hôn nhân, mà áp dụng vào phương pháp nuôi dạy con cái cũng cho ra kết quả vô cùng khả quan. Trong thời kì khủng hoảng tuổi lên 3, trẻ đã mang sẵn tâm lý ngỗ ngược, ương bướng. Nếu cha mẹ nhất quyết nặng lời quát tháo, sẽ chỉ khiến cho đứa trẻ quậy phá hoặc dè chừng cơ hội “vùng lên” mà thôi.
Đề cao giá trị bản thân trẻ bằng những lời đề nghị nhẹ nhàng: “Mẹ định đi lau bàn ghế, nhưng chợt nghĩ có một cô gái rất giỏi. Hôm nay con có thể trổ tài, lau bàn ghế giúp cho mẹ được không?”; “Tô bún này chỉ có một vài cọng hành nhỏ, con là chàng trai mạnh mẽ chắc không sợ chúng đâu nhỉ?”… Chắc chắn hiếm đứa trẻ nào có thể từ chối lời đề nghị dễ thương như vậy.
- Để con tự lập
Như đã nói ở trên, trẻ nhận mình là một cá nhân độc lập và luôn cố gắng khẳng định tính độc lập, tự chủ đó bằng việc đòi tự tay làm mọi thứ (dù nhiều lúc “chữa lợn lành thành lợn què”). Câu cửa miệng của đa số trẻ thời gian này là “Đưa đây cho con”, “con biết rồi”, “để con làm cho”…
Đừng vội cướp đoạt lấy cơ hội tự lập của trẻ, nhân cơ hội này hướng chúng tự lập bằng cách tự xúc ăn, tự mặc quần áo, tự dọn dẹp chăn mền và để trẻ tham gia phụ giúp việc nhà… Lứa tuổi này, không phải đứa trẻ nào cũng đủ nhận thức để phân biệt đúng – sai. Cứ cho trẻ làm để thỏa mãn cái tôi, sau đó chúng cần thì mình trợ giúp.
Sự cứu trợ kịp thời của người lớn sẽ khiến khiến trẻ dần hình thành niềm tin, tìm đến tham vấn khi cần. Tất nhiên không phải để cho trẻ mặc sức làm theo ý mình, chẳng hạn như việc sửa dây điện, quạt máy… Với những yêu cầu quá đáng, phụ huynh cần nghiêm khắc để chúng hiểu đó là những việc không được phép làm.
- Nghiêm khắc thực sự
Có những lỗi nhất định phải xử phạt thật nặng, ví dụ như vô lễ với người lớn. Trong cuộc khủng hoảng tuổi lên 3, trẻ có xu hướng cãi lại, nói tục hay đưa tay đánh lại người lớn là chuyện bình thường.
Nếu con bạn xảy ra trường hợp này, điều quan trọng là cần nghiêm khắc với bé. Nghiêm khắc thực sự chứ không phải la mắng để đó. Yêu cầu trẻ dừng ngay hành động vừa rồi lại, tách chúng ra và yêu cầu trẻ xin lỗi người đối diện.
Nếu còn lặp lại thêm bất cứ một lần nào nữa, chúng sẽ phải chịu những hình phạt như không được mua đồ chơi trong vòng 1 tháng, không được đi chơi cuối tuần, không được xem tivi… Lời nói phải đi đôi với hành động mới khiến lũ trẻ sợ hãi và ghi nhớ.
- Nhất quán trong cách nuôi dạy
Nhiều người mặc dù đã áp dụng cách nuôi dạy con rất kĩ càng, song lại không có tính nhất quán. Sự nhất quán ở đây có nghĩa là cùng chung một phản ứng với một vấn đề được diễn ra nhiều lần.
Chẳng hạn, hôm trước bạn đã tuyên bố rằng nếu trẻ không ngoan sẽ không được cho xem ti vi, nhưng hôm nay trẻ không ngoan bạn vẫn mở tivi cho trẻ xem chỉ bởi “còn hơn nghe chúng khóc nhức đầu”. Hay hôm trước mẹ đã nhắc trẻ không được vứt quần áo linh tinh, hôm nay thấy trẻ vứt đồ linh tinh mẹ lại nhặt lên, bỏ vào máy giặt giùm trẻ. Nếu không có được sự nhất quán này, lời nói của phụ huynh sẽ không còn có trọng lượng trong mắt trẻ.
- Đếm từ 1 đến 3
Trong nhiều trường hợp dập tắt ngay mong muốn, sở thích của con sẽ khiến cho đứa trẻ không có thời gian chuẩn bị tinh thần tiếp thu sự thật và như vậy, chúng sẽ làm theo bản năng là phản kháng, cự cãi lại.
Nếu trẻ đang mải chơi một món đồ nào đó, nhưng đã đến giờ ăn cơm cha mẹ nên giao hẹn với con trong vòng 5 phút, hoặc đếm từ 1 đến 3 để chúng hoàn thành nốt công việc dang dở đang làm. Hết thời gian giao hẹn, trẻ phải tự động đi ăn cơm nếu không sẽ bị cha mẹ tịch thu, không kì kèo, năn nỉ ỉ ôi xin “gia hạn”.
Hầu hết đứa trẻ nào cũng từng trải qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3. Hy vọng với 8 tuyệt chiêu trên, mẹ và bé sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này một cách nhẹ tênh!