Có quan điểm cho rằng: Dạy trẻ ngoại ngữ quá sớm có thể dẫn đến việc nói năng khiếm khuyết, hay ngập ngừng bởi hai ngôn ngữ có thể gây ra sự nhiễu loạn, và trẻ học nói song ngữ là điều không nên?
Tuy vậy, trong những năm gần đây các nhà khoa học đã phát hiện ra điều ngược lại: Được nuôi nấng bằng hai ngôn ngữ cùng lúc, thật sự có thể tạo thuận lợi cho việc phát triển các kĩ năng ngôn ngữ và tri nhận của trẻ.
Những năng khiếu này bao gồm tính linh động về mặt tinh thần, khả năng tư duy trừu tượng và trí nhớ hoạt động – một loại trí nhớ ngắn hạn thiết yếu cho việc học tập và giải quyết vấn đề.
Những thông điệp hỗn hợp
Giữa thập niên 1800, việc sử dụng song ngữ xuất hiện rất thường tại Mỹ. Nhưng vào thập niên 1880, chuyện tưởng như bình thường đó bắt đầu quay lưng lại với những người di dân. Các nhà tâm lí học tuyên bố, tiếp xúc với nhiều hơn một ngôn ngữ sẽ khiến trẻ giảm sút về mặt trí tuệ.
Mặc dù vào thập niên 1960, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu bác bỏ ý kiến đó nhưng vẫn còn tồn tại những ý nghĩ rằng, trẻ con cần phải chọn một ngôn ngữ trội hơn. “Vẫn còn giả thuyết rằng bộ não được thiết lập chỉ cho duy nhất một ngôn ngữ” – Nhà thần kinh học Laura-Ann Petitto, làm việc tại Đại học Gallaudet, Washington, D.C. (Mỹ) cho biết.
Theo giả thuyết này, tâm thức một trẻ học nói song ngữ sẽ bị kéo vào một sự giằng co liên tục, dẫn đến việc nói năng ngập ngừng và lúng túng trước việc chọn dùng ngôn ngữ nào. Nhưng trong một chuỗi nghiên cứu bắt đầu vào năm 2001, Petitto và đồng nghiệp phát hiện ra rằng trẻ em tiếp xúc với hai ngôn ngữ trước tuổi lên 10 sẽ đạt tới những cột mốc ngôn ngữ then chốt. Chúng không bị lúng túng, ngược lại hiểu được hai ngôn ngữ khác biệt nhau ngay từ ban đầu.
Tác động đến não bộ
Trong một nghiên cứu công bố năm 2010, nhà tâm lí học Esther Adi-Japha và đồng nghiệp tại trường Bar-Ilan University (Israel) đã phát hiện rằng: Những đứa trẻ học nói song ngữ ngữ từ 4 đến 5 tuổi cho thấy tính sáng tạo nhiều hơn những đứa trẻ đơn ngữ, đồng trang lứa, khi được yêu cầu vẽ một căn nhà hay một bông hoa tưởng tượng.
Trẻ nói đơn ngữ có xu hướng vẽ hoa mà thiếu mất cánh hoa hay lá, trong khi đó trẻ học nói song ngữ vẽ ra những hình ảnh tổng hợp mang tính tưởng tượng. Ví dụ như là “bông hoa hình cái diều” hay “căn nhà robot”. Điều này cho biết khả năng vượt trội về việc nắm được những ý niệm trừu tượng.
Mặc dù phương pháp quét não bộ tiêu chuẩn, phương pháp cộng hưởng từ chức năng (functional MRI) được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một phương pháp chụp hình não bất xâm nhập tương đối mới, được gọi là phương pháp quang phổ cận hồng ngoại chức năng (functional near-infrared spectroscopy) giờ đây có thể cho phép các nhà khoa học đối chiếu bộ não của trẻ học nói song ngữ với trẻ chỉ nói đơn ngữ, đồng trang lứa.
Kết quả là mặc dù khu vực ngôn ngữ của não bộ trẻ nói đơn ngữ và trẻ học nói song ngữ phát triển tương tự nhau (ngoại trừ một số vùng, như vỏ não vùng trán thấp (inferior frontal cortex) – vốn liên quan đến cả hai kĩ năng ngôn ngữ và tư duy). Nhưng vùng này có vẻ như hoạt động mạnh hơn đối với trẻ học nói song ngữ, đặc biệt khi chúng đang đọc sách.
Các nhà nghiên cứu nói rằng: Cách tốt nhất để trở nên thông thạo ngôn ngữ thứ hai, đó là bắt đầu cho con học từ thuở nhỏ và thực hành thường xuyên. Tiếp xúc hàng ngày với ngôn ngữ thứ hai là điều hoàn hảo. Trẻ em lớn lên trong môi trường đa ngôn ngữ có thể đạt tới mức tiếp xúc như vậy một cách tự nhiên, nhưng những đứa trẻ sống trong bối cảnh đơn ngữ có thể cần sự dạy dỗ nỗ lực hơn.
Như vậy, việc trẻ học nói song ngữ là điều rất tốt. Nếu có điều kiện, phụ huynh đừng bỏ qua cơ hội giúp con phát triển thông minh này nhé!