Mẹ&Con – Bất cứ cặp vợ chồng nào cũng gặp bất đồng trong việc nuôi dạy con cái. Nhưng có những vấn đề to tát tới nỗi biến thành trở ngại, có thể khiến họ phải chia rẽ trong cách dạy con?
Đó là những gì? Chính là cách thưởng phạt, vấn đề ăn uống và tình trạng “dán mắt” vào tivi. Dưới đây là chia sẻ chi tiết từ 3 gia đình về những vấn đề tranh cãi của họ, và họ đã nhờ các chuyên gia tư vấn giúp họ thoát thế bế tắc, thấu hiểu nhau hơn. Hãy tham khảo bài viết dưới đây, vì có thể nó đúng với gia đình bạn, và đối với nhiều người hơn thế nữa trong việc nuôi dạy con cái.
Phần 1: Bất đồng về thưởng – phạt
“Chúng tôi bất đồng về vấn đề thưởng – phạt trong việc nuôi dạy con cái” – Mellisa và Nick Brindisi (phụ huynh của bé Owen 8 tuổi, Claudia 6 tuổi và Benjamin 4 tuổi, Bloomsburg, Pennsylvania, Mĩ) nói.
Người mẹ kể: “Hai vợ chồng tôi tranh cãi về chuyện phải làm sao để khép con trai lớn Owen vào nề nếp. Owen là đứa trẻ dễ thương, biết nghĩ và thích giúp đỡ người khác. Nhưng thằng bé lại bốc đồng và tôi không thể kiểm soát được. Nó luôn la mắng hoặc chọc phá hai đứa em.
Ví dụ, nó thường chọc ghẹo hoặc chế nhạo bằng cách liên tục lặp đi lặp lại tên của tụi nhỏ, cho đến khi chúng hoặc chính tôi bảo nó hãy im miệng đi. Tôi đã đưa nó đến gặp những nhà tư vấn, áp dụng nhiều hình thức khen thưởng, nhưng phần thưởng dù có giá trị bao nhiêu đi chăng nữa cũng nhanh chóng vô tác dụng. Thằng bé vẫn như trước, không hề thay đổi.
Nick – chồng tôi đề ra phương pháp kỷ luật cho vấn đề của Owen là áp dụng “luật quá tam ba bận”. Nếu đến cuối ngày, Owen không vi phạm 3 lần vì cách hành xử gàn dở của mình như: Không chọc phá em, biết nghe lời khi mẹ bảo nó không được chọc em… thằng bé sẽ có dư thời giờ để làm những gì nó thích vào chiều tối. Điển hình như xem một chương trình tivi yêu thích cùng bố chẳng hạn. Nhưng nếu vi phạm 3 lần, nó sẽ phải về phòng sớm hơn.
Vì chồng tôi thường xuyên bận rộn với công việc trong bệnh viện, nên chính tôi là người giữ gìn nề nếp trong nhà. Owen vi phạm liên miên, nó hầu như không nhận được một phần thưởng nào. Tôi cảm thấy biện pháp này không hiệu quả, nó khiến tôi đau lòng, cảm giác như mình đang nói “Mày là đứa hư hỏng”. Tôi ghi nhận giải pháp của Nick – anh ấy thực sự muốn giúp đỡ – nhưng tôi mệt mỏi với cái vòng hình phạt lẩn quẩn này lắm rồi!” – Mellisa chia sẻ về cách nuôi dạy con cái không “ăn rơ”của hai vợ chồng.
Người cha nói rằng: “Melissa và tôi ít khi trao đổi với nhau về lũ trẻ, nên Owen thường tận dụng mọi cơ hội những khi tôi có mặt ở nhà. Ví dụ, nó đi xuống cầu thang và nói: “Ba, con mở tivi được không ba?” Tôi hỏi: “Con không làm bài tập về nhà à?” Nó trả lời: “Nhưng mẹ nói con được xem tivi”. Tôi hỏi lại Melissa và cô ấy đáp: “Em có nói như vậy đâu?”.
Như thế thằng bé đã vi phạm lần thứ nhất. Vấn đề khoảng thời gian đến cuối ngày tỏ ra vô hiệu với Owen, tôi nghĩ cần phải có luật mới, nhưng Melissa nhấn mạnh rằng vấn đề không phải như vậy. Có lẽ chúng tôi nên chờ thêm một thời gian nữa xem sao, tôi không muốn từ bỏ luật quá tam ba bận, đến chừng nào chúng tôi tìm ra giải pháp thực sự hiệu quả.”
Tiến sĩ William Doherty, giáo sư khoa Khoa học Xã hội Gia đình của trường University of Minnesota (Mỹ) nói:
“Trước khi muốn giúp con mình, Melissa và Nick cần nói chuyện trực tiếp với nhau. Khi xác định vấn đề đang xảy ra, Nick nên tin tưởng vào kinh nghiệm của Melissa vì cô ở nhà thường xuyên hơn. Mỗi lần anh tin rằng sự việc đang khá lên, ngay cả khi cô ấy không đồng ý, anh đã vô tình coi nhẹ kinh nghiệm của cô. Những rắc rối từ đó nảy sinh trong việc nuôi dạy con cái.
Melissa bị đưa vào thế tiêu cực vì biện pháp kỉ luật của Nick, biện pháp này trở nên phản tác dụng và cái vòng lẩn quẩn cứ tiếp tục. Vì sao? Vì những điều cơ bản cần nói với con nên là những điều tích cực, trong khi bản chất luật quá tam ba bận của Nick trước tiên lại là điều tiêu cực.
Như vậy, phần thưởng cuối ngày của Owen trở nên quá xa vời so với thực tế hàng ngày. Nó trói buộc cậu bé vào thế thất bại. Thay vì chờ đến cuối ngày, phần thưởng nên được ban tặng thường xuyên hơn cho những thay đổi nho nhỏ – những điều tốt vừa mới xảy ra, như việc Owen bỗng tự ý giúp đỡ em nó làm một việc gì đó. Nick và Melissa cần chuyện trò và truyền đạt kinh nghiệm tích cực cho Owen, để cậu bé cảm nhận được thành công và thấy mình không phải lúc nào cũng lầm lỗi.”
Cách giải quyết: Một đêm sau khi lũ trẻ đi ngủ, Melissa và Nick ngồi lại bên nhau với một chiến lược kỉ luật tích cực hơn, một biện pháp nuôi dạy con cái mà cả hai đồng tình. Melissa nói: “Đúng là Owen không bị thôi thúc bởi phần thưởng vào cuối ngày. Nick và tôi quyết định cố gắng khen thưởng những hành động tốt đẹp của Owen, vào bất cứ lúc nào trong ngày. Ví dụ như: “Chà! con là một người anh tốt, con đã giúp Benjamin xếp đồ chơi!”. Thằng bé đáp lại một cách tích cực thực sự và bắt đầu làm được nhiều việc tốt tương tự như vậy hơn.
Phương pháp này tốt hơn nhiều so với phần thưởng là những món đồ chơi nho nhỏ – cái mẹo tôi đã thử nhưng thấy không hiệu quả . Khen thưởng là hình thức giúp nó bộc lộ những gì tốt đẹp nhất. Hành vi của Owen tuy vẫn còn là một thách thức nhưng Melissa nói rằng: “Thằng bé đã khá hơn, thậm chí chúng tôi cảm thấy nó đã đỡ bốc đồng hơn xưa!”. – Cách thưởng – phạt trong việc nuôi dạy con cái của vợ chồng dường như đã có tiến triển hơn rất nhiều.
(Còn tiếp)