Mẹ&Con – Bố mẹ cãi nhau chưa chắc đã không tốt cho trẻ. Điều này có thể làm bạn ngạc nhiên, nhưng lại là kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Terri Apter.
Việc bố mẹ cãi nhau đôi khi không hề gây hại cho trẻ như vẫn nghĩ. “Bản thân trẻ cũng cần cơ hội trải nghiệm sự tức giận của cha mẹ dành cho mình. Chúng cần bày tỏ sự tức giận của bản thân, và nhận thấy sau đó cả cha mẹ và mình đều vượt qua được cơn giận” – Tiến sĩ Terri Apter, giảng viên cao cấp tại Newnham College, University of Cambridge (Mỹ) cho biết thêm.
Trẻ phản ứng với chuyện cãi cọ của cha mẹ từ lọt lòng
Theo thống kê, đa số những cặp vợ chồng ly hôn đều biết quyết định này sẽ không có lợi cho con cái. Tuy nhiên, họ luôn tự trấn an bản thân bằng ý nghĩ “mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn, nếu trẻ phải chứng kiến cha mẹ cãi nhau suốt ngày”.
Một nghiên cứu mới cho rằng, trẻ phản ứng với chuyện cãi cọ của cha mẹ ngay từ thuở lọt lòng. Thời điểm 5 tháng tuổi, trẻ đã phản ứng một cách tự nhiên với những trạng thái cảm xúc của người khác, đặc biệt nhạy cảm với những âm thanh giận dữ nhắm vào mẹ mình.
Sống trong bầu không khí tức giận không giúp trẻ thích nghi với sự giận dữ. Những cuộc tranh cãi tuy đã kết thúc, nhưng bao giờ cũng để lại một điều gì đó. Ngay cả trong lúc đang ngủ, trẻ sơ sinh cũng có thể phản ứng với những giọng nói giận dữ.
Trong bài What Sleeping Babies Hear (Trẻ đang ngủ nghe thấy những gì) được công bố mới đây trên tập san Psychological Science, các tác giả Graham, Fisher và Pfeifer cho thấy: Trẻ sơ sinh từ 6 đến 12 tháng tuổi nếu sống trong những gia đình thường xuyên xảy ra xung đột, bố mẹ cãi nhau thì khi nghe những giọng nói giận dữ, chúng sẽ có phản ứng mạnh ở những vùng não liên quan đến sự chế ngự cảm xúc và căng thẳng. Cụ thể là vùng phía trong não trung gian, vùng hạch hình đuôi, vùng đồi thị và vùng dưới đồi.
Các tác giả cũng đồng thời tranh cãi về việc “sớm tiếp xúc với những xung đột cá nhân có thể làm tăng nguy cơ gây ra những vấn đề về cảm xúc và tâm lí sau này ở trẻ”. Trong cái nhìn của những nhà tâm lí, căng thẳng kéo dài do không khí tức giận (cũng như việc bị bỏ bê hoặc ngược đãi) gây tác động sinh lí lên trẻ, khiến chúng suy giảm khả năng chịu đựng căng thẳng.
Khi một đứa trẻ chìm ngập trong nỗi lo âu không ngớt, bộ não non nớt của chúng sẽ thiếu hụt các kết nối thần kinh cần thiết, để điều hòa những trạng thái cảm xúc.
Michael Rutter nói rằng: “Điều này có thể dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát hành vi, chế ngự cảm xúc và tự ý thức. Một đứa trẻ không biết tự trấn an mình khi căng thẳng tăng cao sẽ không thể kiểm soát được sự tỉnh táo. Từ đó sẽ sản sinh hành động xốc nổi, xuất hiện cảm giác vô cùng hổ thẹn, không thể ý thức trách nhiệm trước những hành vi, không thể học hỏi kinh nghiệm và kiểm soát được sự tức giận”.
Trớ trêu thay, trẻ rất cần những kĩ năng để tự trấn an khi phải sống trong bầu không khí căng thẳng khi bố mẹ cãi nhau – nhưng chính chúng lại là những người được trang bị ít nhất. Sự căng thẳng kéo dài là chất độc cho bộ não non nớt của trẻ, và làm suy yếu nhiệm vụ then chốt của nó – đó là làm sao tích hợp, điều hòa những suy nghĩ và cảm xúc.
Tầm quan trọng trong sự điềm tĩnh của cha mẹ cũng được nhấn mạnh trong cuốn sách Raising Girls (Nuôi dạy con gái) của Steve Biddulph. Để cảm thấy an toàn và tự tin phát triển năng lực, Biddulph cho rằng những bé gái cần một bầu không khí êm đềm từ cha mẹ.
Trên thực tế, những nghiên cứu, cảnh báo trên của các nhà khoa học, nhà tâm lý học là hoàn toàn chính xác và có giá trị.
Bố mẹ cãi nhau có thực sự không tốt cho trẻ?
Tuy vậy, có phải sự căng thẳng của cha mẹ khiến trẻ không thể chịu đựng nổi? Có phải chuyện cãi cọ, mâu thuẫn, bày tỏ và phản ứng một cách tức giận là những điều cha mẹ không nên làm? Có phải chuyện cãi cọ luôn không tốt cho trẻ?
Tiến sĩ Terri Apter đã có những nghiên cứu và ông cho rằng, việc bố mẹ cãi nhau không phải là không có những lợi ích nhất định đối với trẻ.
Theo ông, tranh cãi gay gắt là chuyện thường thấy trong những mối quan hệ gần gũi. Đó là cách người ta khám phá, thăm dò và mở rộng những giới hạn, những hạn chế của sự nhượng bộ, các vấn đề nóng có liên quan đến mình và người khác. Tranh cãi là một cách thức vượt qua và củng cố mối quan hệ. (Tất nhiên, ngoại trừ một số cuộc tranh cãi cũng có thể làm đổ vỡ mối quan hệ).
John Gottman – người nghiên cứu vấn đề tranh cãi trong hôn nhân qua nhiều thập kỉ đã có những thử nghiệm, chống lại những lời tiên đoán rằng “cặp vợ chồng nào sẽ tiếp tục chung sống và cặp nào sẽ ly hôn” kết luận rằng:
Điều quan trọng quyết định sự lâu bền của một cuộc hôn nhân, không phải là vấn đề họ tranh cãi điều gì, mà là họ tranh cãi ra sao. Những cuộc cãi cọ có bao gồm cả sự nhạo báng, khinh rẻ và chỉ trích toàn diện hay không? Họ có để cho những ý nghĩ và cảm xúc được tuôn trào, hay để chúng kết thúc trong sự tắt nghẹn, đóng băng mọi cảm xúc (như trước đó đã từng), bỏ lại người kia trong nỗi thất vọng và bối rối, hoặc sau cùng tránh mặt nhau?
Nếu đúng như vậy, họ đang đi đến chỗ kết thúc mối quan hệ. Nhưng nếu tránh được những cạm bẫy ấy, thì tất cả có thể chỉ là một phần tiến trình của hôn nhân và việc bố mẹ cãi nhau là rất bình thường.
Bản thân trẻ cũng cần cơ hội trải nghiệm sự tức giận của cha mẹ dành cho mình. Chúng cần bày tỏ sự tức giận của bản thân, và nhận thấy sau đó cả cha mẹ và mình đều vượt qua được cơn giận.
Trẻ tìm kiếm sự chân thành và những cuộc trò chuyện cởi mở với cha mẹ. Dù đi sâu vào chi tiết những vấn đề của người lớn là không thỏa đáng, nhưng trẻ cần được tiếp xúc những trải nghiệm. Trẻ em, đặc biệt là những bé gái – là những nhà quan trắc cảm xúc sắc sảo. Chúng có thể nhìn xuyên qua vẻ ngoài điềm tĩnh.
Khi chúng nhận ra vẻ ngoài điềm tĩnh của cha mẹ chỉ cốt để che giấu những cảm xúc phức tạp hơn nhiều, chúng có thể kết luận rằng cha mẹ không trung thực, điều này với chúng như một sự phản bội. Không tranh cãi? Tự nó có thể trở nên rất căng thẳng. Và trẻ cũng nhạy cảm với sự thuận hòa không chân thật cố tỏ của mẹ cha.
Trẻ cần chứng kiến người lớn, bao gồm cả cha mẹ tranh cãi với nhau, bày tỏ sự tức giận, bảo vệ chính mình, đối đầu với người kia và (trong nhiều trường hợp) đồng cảm trở lại.
Bản thân trẻ khi tức giận, chúng cãi cọ nhau và tranh cãi với cha mẹ, mở rộng vốn hiểu biết của mình. Chúng tăng hiểu biết về những xung đột và giải pháp cho những xung đột. Chúng thực hiện và phát triển tính tự quyết.
Nếu cha mẹ biết cách tranh cãi đúng mực – tức tranh cãi mà không làm hủy hoại mối quan hệ, nếu họ phân biệt được đâu là sự tức giận của mình và đâu là lỗi lầm của người kia, khi cơn tức giận nguôi ngoai, họ sẽ dạy được cho con cái mình bài học về sự vượt qua và cách nhìn nhận sự việc theo quan điểm của người khác.
Như vậy, việc bố mẹ cãi nhau không hẳn là không tốt cho trẻ. Nhiều bằng chứng rất rõ cho thấy, những thiếu nữ vị thành niên sẽ trở nên tự tin quyết đoán hơn khi thấy mẹ mình tranh cãi với cha. Sẽ rất hữu ích nếu phát triển hơn nữa nghệ thuật tranh cãi, hơn là lo sợ nguy cơ của những cuộc cãi vã.