Thai không phát triển là nỗi buồn của tất cả các bậc làm cha mẹ. Làm thế nào để nhận diện khi thai nhi bị hư? Dưới đây là những dấu hiệu thai không phát triển người làm mẹ cần biết.
“Thai không phát triển”, “phôi thai ngừng phát triển” hay “thai chết lưu” đều là thuật ngữ y khoa, chỉ chung một hình thức sảy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Đối với người làm cha mẹ, việc nhận tin thai nhi không phát triển giống như tiếng sét đánh ngang tai. Dù sao thì chuyện không mong muốn này cũng đã xảy ra, mẹ hãy gạt đi đau đớn để đảm bảo sức khỏe cho bản thân.
Việc thai nhi không phát triển là cú sốc tinh thần lớn đối với mẹ. (Ảnh minh họa)
Trong bài viết dưới đây, Mẹ&Con sẽ cung cấp những kiến thức cần thiết về việc thai không phát triển, các dấu hiệu thai không phát triển…
1. Dấu hiệu
Hiện tượng này xảy ra trong khoảng 3 tháng đầu thai kỳ, và rất khó nhận biết vì không có dấu hiệu rõ ràng (nhất là đối với những người lần đầu làm mẹ). Tuy nhiên nếu để ý kĩ, mẹ sẽ thấy cơ thể có những biểu hiện mất các triệu chứng mang thai sau:
– Không nghe thấy chuyển động của thai nhi, không nghe được tim thai.
– Mất cảm giác căng ngực, ngực đang to dần nhỏ đi, tự tiết sữa non.
– Đau bụng, mất cảm giác nghén ngẩm, thèm ăn.
– Âm đạo tiết dịch nhầy màu nâu đen.
– Tử cung không phát triển.
– Bụng không lớn lên, hoặc nếu đã lớn rồi thì mỗi ngày một nhỏ đi.
– Vỡ nước ối.
Thường thì phải đến tháng thứ 4, các dấu hiệu trên mới biểu hiện rõ và mẹ mới nhận diện dễ dàng hơn. Lúc này cơ thể bạn gần như quay trở lại hiện tượng bình thường, khi chưa mang bầu. Việc xác định thai nhi phát triển hay không sẽ được quyết định chính xác qua những lần thăm khám, siêu âm định kì.
Mất cảm giác căng ngực, nhưng nhỏ và mềm đi là một trong số những dấu hiệu nhận biết việc thai chết lưu. (Ảnh minh họa)
2. Nguyên nhân
Có 2 nguyên nhân dẫn tới việc thai nhi ngừng phát triển, gồm nguyên nhân bắt nguồn từ mẹ và nguyên nhân từ phía thai nhi.
Từ phía người mẹ:
– Mẹ mang thai trên 40 tuổi, bị các bệnh như đái tháo đường, huyết áp cao, bệnh tim, thận, rối loạn đông máu…
– Mẹ bị nhiễm kí sinh trùng, nhiễm độc thai nghén hoặc nhiễm trùng trước khi sinh, lây từ mẹ qua nhau thai.
– Cơ thể mẹ mang những nhiễm sắc thể bất thường, tử cung kém phát triển hoặc dị dạng.
Từ phía thai nhi:
– Thai nhi bị dị tật bẩm sinh, có cuống rốn và nhau thai khác thường, bánh rau bị lão hóa không đủ điều kiện nuôi dưỡng thai.
– Thai nhi nhiễm trùng trong tử cung, bong ra khỏi thành tử cung.
– Bất đồng nhóm máu với mẹ.
3. Hậu quả
Việc thai nhi chết lưu trong bụng mẹ nếu không được phát hiện kịp thời, sẽ gây ra những tổn hại nặng nề cả về tinh thần lẫn thể chất đối với người làm mẹ.
Đầu tiên là về mặt tâm lý. Người mẹ có thể gặp phải những biến động nhất định về tâm lý như căng thẳng, trầm cảm.
Tiếp theo là vấn đề sức khỏe. Trong vòng 4 tuần, nếu thai nhi chết lưu không được phát hiện và lấy ra có thể khiến mẹ bị ngộ độc, phát sinh đông máu rải rác trong mạch máu nguy hiểm đến tính mạng.
Vỡ ối sớm làm vi khuẩn xâm nhập vào buồng ối và dạ con. Điều này không chỉ nguy hiểm tới tính mạng mà còn khiến những lần mang thai sau của mẹ gặp trở ngại lớn hơn.
4. Hướng điều trị
Vì những lý do trên, mẹ cần đi thăm khám đúng định kì thời gian mang thai. Ngay sau khi cảm nhận cơ thể có những bất thường, mẹ hãy tới gặp các bác sĩ để chuẩn đoán và làm các xét nghiệm.
Nếu không may bị sảy thai, bạn sẽ được các bác sĩ tiến hành can thiệp y tế tùy thuộc vào mức độ đơn giản hay phức tạp, chẳng hạn như: Để thai nhi tự đào thải ra bên ngoài, dùng thuốc kích thích cơ thể đẩy thai ra ngoài, phẫu thuật nạo hút thai…
Trên đây là những kiến thức cần thiết, nói về về việc thai không phát triển cũng như dấu hiệu thai không phát triển mà chị em cần nắm rõ, phòng tránh cũng như xử lý khi lâm vào tình huống đã rồi.