Viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm thể tạng, sẩn ngứa. Khi da bị khô kèm theo ngứa sẽ khiến vùng da bị dày lên, bệnh nhân càng ngứa thì càng gãi, gây nên vòng bệnh lý ngứa – gãi.
Viêm da cơ địa có yếu tố di truyền rất cao. (Ảnh minh họa)
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh trong những năm đầu đời có tỷ lệ mắc là khoảng 60%. Nguyên nhân là do sức đề kháng của trẻ còn kém, môi trường ô nhiễm khói bụi. Hoặc do cơ địa của trẻ có kháng thể IgE gây kích thích IgE hoặc T limphô đáp ứng viêm. Một số loại thức ăn gây dị ứng như trứng, sữa, đậu phộng, cá… cũng có thể khiến trẻ đối mặt với bệnh lý viêm da cơ địa.
Bệnh có yếu tố di truyền rất cao. Nếu trong gia đình, có bố hoặc mẹ bị viêm da cơ địa thì 60% con sinh ra có khả năng mắc bệnh. Trường hợp cả bố và mẹ đều bị thì con sinh ra có khả năng 80% mắc bệnh viêm da cơ địa.
Biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa
Biểu hiện bệnh cấp tính
Vùng da xuất hiện các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vẩy da, da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết chợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng. Bệnh thường khu trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình.
Biểu hiện bệnh viêm da cơ địa mạn tính
Da dày thâm, ranh giới rõ, liken hoá, các vết nứt đau, đây chính là hậu quả của việc bệnh nhân ngứa gãi nhiều. Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân.
Triệu chứng điển hình của bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh là khô da, ban đỏ gây ngứa tạo thành vòng xoắn bệnh lý: ngứa – gãi – ban đỏ – ngứa… Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng khác như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt và viêm ngứa họng, ho. Bệnh thường hay gặp ở các vị trí như mặt, trán, mặt gấp các chi, gáy, mi mắt, cổ tay, mu bàn tay, mu bàn chân, trường hợp nặng có thể lan toàn thân.
Lưu ý khi bị viêm da cơ địa
Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày. (Ảnh minh họa)
- Khi mắc bệnh viêm da cơ địa người bệnh tránh chà xát, không gãi, nên đến bệnh viện để được thăm khám và kê đơn, không nên tự ý sử dụng thuốc gia truyền, thuốc truyền miệng để bôi, nhất là đối với trẻ nhỏ.
- Đối với bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh, bố mẹ không dùng đồ len dạ trực tiếp vào da của trẻ, bố mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng cần tránh dùng đồ len dạ khi tiếp xúc với trẻ. Nguyên nhân là do chất liệu này dễ gây dị ứng cho da.
- Mùa hè nên cho trẻ mặc đồ áo thoáng mát để tránh ra nhiều mồ hôi gây nhiễm trùng.
- Khi trẻ mắc bệnh, bố mẹ cần giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm rửa thay quần áo hàng ngày, tránh việc bụi bẩn làm bệnh nặng hơn.
- Giữ móng tay cắt ngắn, đeo bao tay cho trẻ trong khi ngủ vào ban đêm. Sử dụng thuốc mỡ, các loại kem, hoặc thuốc nước 2 – 3 lần trong ngày theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm gây phản ứng dị ứng, chất kích thích, không nên sử dụng xà phòng, hoặc chất tẩy rửa mạnh, cũng như hóa chất và dung môi.
- Tránh thay đổi nhiệt độ cơ thể một cách đột ngột, gây đổ mồ hôi, không nên sử dụng các loại mỹ phẩm sữa tắm khi đang bị bệnh viêm da cơ địa.