Được biết ngày 17/2, tức ngày mùng 2 Tết, người phụ nữ quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam sau khi hạ sinh bé gái tại phòng trọ đã vào Bệnh viện Thái Bình Dương điều trị hậu sản. Tuy nhiên, một ngày sau, người này đã rời đi, để bé gái lại một mình.
Bé gái bị mẹ bỏ rơi lại bệnh viện
Sau khi phát hiện sự việc, nhân viên đã báo lên lãnh đạo bệnh viện và cử người chăm sóc cho bé. Hiện tại, sức khỏe bé gái đã ổn định. Trong thời gian tới, nếu không có ai đến nhận, bệnh viện sẽ thông báo cho chính quyền địa phương để lo cho bé theo quy định.
Để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, pháp luật nước ta đã có các quy định rõ ràng về việc bỏ rơi trẻ em.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 15 Luật Con nuôi số 52/2010/QH12: “UBND cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nhận nuôi trẻ em, nếu có người nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, nếu không có người nhận trẻ làm con nuôi thì lập hồ sơ đưa trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng”.
Việc bỏ rơi con cho thấy cha mẹ cháu bé đã có hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định tại điều 4, 5, 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thì trẻ em không phân biệt giới tính, con trong giá thú hay ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con chung, con riêng, không phân biệt tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội… đều được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, nghiêm cấm hành vi bỏ rơi con. Theo Luật Hôn Nhân và Gia Đình năm 2014 cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con.
Thứ nhất, trách nhiệm hành chính: Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em, cụ thể ở điều 22 quy định mức xử phạt từ 10- 15 triệu đồng đối với hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em không rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm.
Thứ hai, về trách nhiệm hình sự: Nếu như trong trường hợp chẳng may đứa trẻ bị chết khi bỏ rơi thì trách nhiệm của các bậc cha mẹ được phân ra các trường hợp như sau:
– Nếu như đứa trẻ bị bỏ rơi chưa được 7 ngày tuổi:
Tội giết con mới đẻ (theo điều 94 Bộ luật Hình sự)
Điểm b Điều 1 Chương II, Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn “Con mới đẻ là đứa trẻ mới sinh ra trong bảy ngày trở lại”.
Nếu đứa trẻ dưới bảy ngày tuổi, người mẹ bỏ rơi con dẫn đến hậu quả đứa trẻ tử vong thì hành vi sẽ cấu thành tội giết con mới đẻ theo quy định tại điều 94 Bộ luật Hình sự: “ Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo, không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
– Nếu đứa trẻ bị bỏ rơi trên 7 ngày tuổi.
Nếu như đứa trẻ bị bỏ rơi trên 7 ngày tuổi thì tùy theo việc xác định mức độ lỗi của người bỏ rơi con có thể cấu thành Tội giết người (theo điều 93 Bộ luật Hình sự) hoặc Tội Vô ý giết người (theo điều 98 Bộ luật hình sự).
Lỗi Cố ý giết người là trường hợp trước khi có hành vi tước đoạt tính mạng người khác, người phạm tội nhận thức rõ hành động của mình tất yếu hoặc có thể gây cho nạn nhân chết và mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết.
Lỗi Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.