Xưa “ăn Tết”
Xưa chuẩn bị cho Tết, nhà nào cũng lo tích cóp, dành dụm cả năm trời. Đầu giêng, mẹ đã ra vườn dặm những bụi dong để Tết còn có lá gói bánh chưng. Sang tháng 3, mẹ đã lo ấp mấy đàn gà con để Tết giết thịt hay để bán mua quần áo mới cho lũ trẻ. Vào mùa gặt tháng 10, tháng 11, mẹ không quên dành ra một ít gạo, đậu để gói bánh chưng, bánh tét. Đầu tháng chạp, mẹ lại tất bật muối những vại dưa hành. Bắt đầu từ 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo, mẹ tít mù với chợ búa sắm sang, dọn dẹp, bày biện nhà cửa… Khoảng 27, 28 Tết là cả xóm lục tục sửa soạn gói bánh để Tết đến kịp bánh dâng lên tổ tiên. Những gia đình có trẻ nhỏ còn gói riêng những chiếc bánh bé tí từ chút gạo thừa, thịt thừa cho con trẻ khỏi háo hức.
Nhớ Tết xưa là nhớ đến bếp luộc bánh chưng lúc nào cũng đỏ rực, cháy bập bùng, sôi sùng sục, nhớ cái mùi hăng hăng đến cay xè khóe mắt của khói củi gộc luộc bánh. Cả năm ngóng chờ, chỉ có mỗi dịp Tết, con trẻ mới được xúng xính bộ quần áo mới, được thưởng thức kẹo mứt, bánh chưng, bánh tét… Cành mai, cành đào bố chăm chút cả một năm trời mới “thu hoạch” được những bông hoa xinh đẹp đến nao lòng trong dịp Tết. Người ta nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau củ quả cả năm và dành những gì ngon nhất của chúng vào những ngày Tết. Dù nghèo đến đâu cũng phải sắm được một mâm cỗ đủ đầy để cúng giao thừa, lễ gia tiên, rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu.
Đêm 30 Tết, giây phút giao thoa đất trời thiêng liêng. Cả nhà tề tựu trước bàn thờ tổ tiên, cầu xin một năm mới an vui, thịnh đạt. Mọi người chúc tết nhau, người lớn lì xì cho con cháu và con cháu mừng tuổi cho bố mẹ, ông bà.
Tết của những ngày xa xôi về trước, dù việc chuẩn bị Tết cực thật do lượng công việc nhiều như núi nhưng niềm vui gia đình đoàn viên, quây quần thì có lẽ không đơn vị đo lường nào đong đếm được.
Ảnh minh họa.
Nay “chơi Tết”, “nghỉ Tết”
Với sự chuyển mình của xã hội, việc ăn Tết nay đã không còn quan trọng và cầu kỳ như xưa. Hiếm gia đình nào còn giữ được nét truyền thống: gói bánh chưng, bánh tét; làm mứt, làm dưa; kết mâm ngũ quả, dựng nêu, mổ thịt… Nếu như xưa kia, quanh năm chỉ đợi đến Tết để được ăn ngon, mặc đẹp thì lớp trẻ ngày nay thường ngày đã được tận hưởng được những niềm vui đó. Lũ trẻ xưa kia thường được bố mẹ hướng dẫn khai bút đầu năm lên giấy đỏ hoặc giấy hoa tiên thì ngày nay việc khai bút của con trẻ được thực hiện bằng cách “khai phím” trên các trang mạng xã hội.
Tết xưa nếu phải gói bánh, vất vả trông nồi bánh, bày biện mâm ngũ quả thì tết nay bạn chỉ cần lên danh sách những thứ cần mua và đi siêu thị, đi chợ sắm Tết. Thậm chí, nếu không muốn chen chúc ở chợ hay xếp hàng dài ở quày tính tiền trong siêu thị, mẹ có thể lên mạng xem hàng online và gọi mang đến tận nhà, chẳng cần tốn nhiều công sức. Các ông bố cũng không phải mất công chăm bẵm cây đào, cây mai từ những ngày đầu tháng Chạp, bởi mai, đào giờ có thể mua hoặc thuê từ những nhà vườn.
Ngày xưa, việc chuẩn bị Tết lắm công phu bao nhiêu thì Tết nay lại càng đơn giản hóa bấy nhiêu. Nhiều người không còn lo đến cái ăn, cái mặc thì ngày Tết họ hướng đến tinh thần nhiều hơn, xem Tết như dịp nghỉ dài ngày để xả hơi thoải mái, đi chơi nhiều hơn. Khi mọi thứ từ bánh trái, mâm cúng, mâm ngũ quả… đều có sẵn thì người mẹ, người con dâu thời hiện đại chỉ còn lo lắng mỗi việc là Tết này đặt tour du lịch nào cho cả nhà. Các bà nội trợ cũng không quá lo lắng đến lương thực ngày Tết, vì một số hàng quán vẫn phục vụ liên thông từ năm cũ sang năm mới. Thậm chí, nhiều lớp trẻ còn sợ ăn uống ngày Tết vì lo tăng cân; người lớn ngán đường, sợ mỡ, hãi cholesterol… Những người “tha hương” chỉ có vài ba ngày nghỉ vội về quê thăm cha mẹ, con cái rồi lại tranh thủ đi xa để “nhặt nhạnh” vài đồng.
Có một điều, nghi thức Tết xưa và nay tuy có phần giản lược nhưng vẫn giữ được một mặt nào đó của những nét đẹp truyền thống dân tộc, vẫn “bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”.
Tết đến, mỗi người mỗi cảm xúc. Ắt hẳn với những người mà tâm trí đã đầy ắp những hoài niệm thì Tết xưa đúng là vui hơn Tết nay!