Nguyên nhân của những bi kịch trên quẩn quanh trong chuyện bị đối xử tàn tệ bởi người yêu, người tình, người chồng, hay gia đình nhà chồng…
Trong nhiều câu chuyện tôi được biết từ nhân thân của người xấu số, đa phần đều có sức khỏe tốt, có nghề nghiệp, có thu nhập ổn định, nghĩa là họ có thể có một cuộc sống tương đối độc lập về tài chính, có thể tự nuôi bản thân mình và con cái.
Vậy điều gì đã khiến cho họ cảm xúc sâu sắc đến thế, đến nỗi từ chối cả thân thể, cả cuộc sống của mình? Họ là những người phụ nữ bị lệ thuộc tư tưởng trong tình yêu và cuộc sống.
Vì ngại điều tiếng, ngại đổi thay, họ cam chịu sống chung suốt cả cuộc đời với tư tưởng lệ thuộc “tam tòng, tứ đức” ăn sâu bám rễ trong não trạng.
Tôi có một cô em họ, sau nhiều lần níu kéo không thành, người yêu cô ấy vẫn nói lời chia tay. Cô đã vật vã khóc lóc tối ngày, luôn miệng nói chán người, chán đời. Mọi người trong gia đình phải canh chừng sợ cô ấy nghĩ quẩn.
Tôi hỏi cô ấy rằng một người mà vì chuyện tình cảm không như ý bỏ bê công việc, làm người thân, gia đình lo lắng, nay dọa cắt tay, mai dọa tự tử thì có đáng để yêu không? Nếu là chàng trai, em có muốn yêu một cô gái như thế không?
Hoặc cứ cho là chàng trai ấy tệ bạc, xấu xa đi, đối xử với em không ra gì như em nói thì việc lao vào như con thiêu thân để hy sinh, gắn bó hay thậm chí có liên quan đến một người như thế thì là cô gái thông minh hay ngốc nghếch?
Và khi người ta đã không còn yêu thương gì mình nữa, thậm chí không còn quan tâm đến nữa thì khóc lóc tuyệt vọng, thậm chí tự hủy hoại bản thân, rồi dọa quyên sinh, tự vẫn chỉ cốt để cho người ta phải ân hận suốt đời sẽ chỉ chứng minh được một điều rằng: chàng trai đó đã hành động đúng, rằng đến lúc chết cô gái ấy vẫn còn làm khổ anh ta. Có ai lại muốn gắn bó với một cô gái dại dột, ngốc nghếch thế cả đời không…
Gần nhà tôi có một chị làm nghề may, thu nhập cũng khá, anh chồng nghề nghiệp không có, thỉnh thoảng chạy vài cuốc xe nếu có khách. Anh ta lại tối ngày rượu chè, quá chén là đánh đập vợ. Chi tiêu trong gia đình chị phải to loan hết, dạy dỗ, chăm sóc con cái cũng một tay chị.
Anh này lại mắc bệnh ghen tuông và cũng sợ vợ bỏ đi nên cứ thỉnh thoảng lại khóa trái cổng nhà lại. Khách may đồ thấy bất tiện do vậy cũng hạn chế lại qua. Thu nhập ít dần đi và vợ chồng gần như ngày nào cũng cãi nhau. Nhùng nhằng, luẩn quẩn như thế cả chục năm nay.
Chị bảo bất kể lúc nào cũng mong muốn được giải thoát khỏi cuộc sống như thế, được bỏ phắt đi cho nhẹ nợ. Nhưng tính đi rồi lại tính lại, không bỏ được vì đi thì biết đi đâu. Ít ra chồng còn giúp đưa đón con, còn giúp có một mái nhà để ở.
Nếu đặt những vất vả, những tổn thương cảm xúc của chị với những lợi ích đong đếm cụ thể thế kia thì cái nào đáng giá hơn? Tôi chắc chị có câu trả lời ngay không phải nghĩ suy gì, nhưng, vẫn là câu chuyện của chữ “nhưng”, điều gì làm cho chị cứ sống mòn với một cuộc sống như thế? Làm cho anh chồng ngày càng lười biếng hơn, vũ phu hơn và phụ thuộc nhiều hơn?
Một số cô gái tôi nói chuyện cùng, đều cho rằng toàn bộ hạnh phúc của họ là do người yêu, người chồng mang lại, rằng nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc người đàn ông của họ có đủ tốt hay không. Và họ đặt cược vào đó toàn bộ tình yêu, niềm tin, niềm hy vọng của đời mình.
Trừ những trường hợp may mắn, một số sau đó nhận ra anh chàng hòa hoa, tình cảm, thú vị tuyệt vời trước đây thực chất chỉ là một anh chàng hời hợt, lười biếng, vô trách nhiệm, tệ hơn cả là anh ta chẳng còn yêu thương họ nữa.
Họ thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng trong cái mong mỏi làm thay đổi anh ta để rồi nỗi chán nản cứ dài lên mãi. Tôi thật ngạc nhiên, khi họ đều khỏe mạnh, đều trên 18 tuổi, có công việc ổn định, hà cớ gì trông mong, lệ thuộc toàn bộ niềm vui sống của mình bởi một người khác, dù người đó có là người yêu, người chồng đi nữa.
Không có hạnh phúc nào vững bền và vô điều kiện bằng thứ hạnh phúc tự mình mang lại cho mình. Nhiều cô muốn được chồng nuôi hay gia đình nhà chồng giúp đỡ về tài chính nhưng lại không thích bị phụ thuộc. Mà bi kịch thì thường xảy ra ở những mong muốn rất đỗi mâu thuẫn thế này.
Thậm chí, phụ nữ cũng cay nghiệt với chính phụ nữ.
Những người đàn bà đã ly hôn, đơn thân nuôi con cũng thường bị những người phụ nữ khác xem là có vấn đề. Nếu không có vấn đề sao phải bỏ chồng hoặc bị chồng bỏ? Cơ hội cho những người phụ nữ ấy tìm kiếm hạnh phúc mới dường như vì thế mà thu hẹp lại.
Ai đó cũng có thể sai lầm khi lựa chọn bạn đời. Bạn không nhất thiết cứ phải cắn răng sống chung suốt cả cuộc đời bạn với một quyết định không chuẩn xác, nhất là khi quyết định ấy được đưa ra khi bạn còn rất trẻ.
Vì ngại điều tiếng, ngại đổi thay, họ cam chịu sống chung suốt cả cuộc đời với tư tưởng lệ thuộc “tam tòng, tứ đức” ăn sâu bám rễ trong não trạng.
Tôi không khuyến khích việc ly hôn nhưng ai đó cũng có thể sai lầm khi lựa chọn bạn đời, bạn không nhất thiết cứ phải cắn răng sống chung suốt cả cuộc đời bạn với một quyết định không chuẩn xác, nhất là khi quyết định ấy được đưa ra ở thời điểm bạn còn rất trẻ.
Tôi tin rằng việc cho phép ly hôn là một trong những tiến bộ của nhân loại thời hiện đại.
Những đứa trẻ trong khu phố nhà tôi, khi chúng mải chạy không để ý vật cản ở trên đường và bị ngã, thì người mẹ dỗ dành con bằng cách đánh chà vât cản đó vì đã làm cho bé đau, thay vì nhắc nhở con phải cẩn thận hơn và dạy cho con biết rằng thân thể của mình là quý giá, nếu làm nó trầy xước, tổn thương, đau đớn vì những bất cẩn là con đã mắc lỗi với chính bản thân mình.
Trong đời sống này cũng vậy, không ai có thể liên tục làm tổn thương bạn nếu bạn không cho phép điều đó. Và chắc chắn là bi kịch sẽ ít đi rất nhiều, nếu bạn trân trọng bản thân, trân trọng cảm xúc của mình và yêu thương mình nhiều nhất.