Đau bụng dưới khi mang thai có nguy hiểm không? Tại sao có mẹ bầu gặp tình trạng này có mẹ bầu lại không? Đau bụng dưới có làm ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ bầu và thai nhi? Hãy cũng Mẹ&Con đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên nhé!
Trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kì, tình trạng khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu không được lưu ý cẩn thận thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một số biến chứng thai kì nguy hiểm.
Khi nào đau bụng dưới khi mang thai là không nguy hiểm?
Trong 3 tháng đầu thai kì, bụng dưới của mẹ bầu sẽ có dấu hiệu đau lâm râm vì đây là thời gian bào thai vào vị trí tử cung và làm tổ, làm xuất hiện các cơn cơ thắt. Ngoài đau lâm râm, mẹ bầu có thể sẽ xuất hiện một ít máu ở đáy quần. Đây là tình trạng hoàn toàn bình thường và các cơn co thắt sẽ tự hết sau một thời gian, tuy nhiên, nếu mẹ bầu đau bụng dưới tới mức không chịu được thì sẽ là rắc rối lớn, cần đến bác sĩ ngay để được thăm khám và có hướng điều trị tốt nhất.
Đau bụng dưới khi mang thai là một hiện tượng khá phổ biến (Ảnh minh họa).
Đau bụng dưới khi mang thai cũng có thể xuất phát từ sự xáo động của hệ tiêu hóa khi mang thai do có sự thay đổi hormone trong cơ thể người mẹ. Khi đó, mẹ bầu có thể gặp các biến chứng như táo bón thai kì, đầy hơi, chướng khí…
Ốm nghén khi mang thai cũng có thể dẫn tới việc bị co thắt vùng bụng dưới khi toàn thể vùng bụng dưới được dùng để nôn mửa.
Đau bụng dưới khi mang thai cũng có thể xuất phát từ sự căng thẳng của vùng bụng và vùng cơ xương chậu dẫn tới hiện tượng thiếu ngủ, tạo ra những thói quen không tốt, đồng hồ sinh học có thể thay đổi nhiều.
Khi nào đau bụng dưới khi mang thai là nguy hiểm?
Hiện tượng đau bụng dưới khi mang thai cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một số biến chứng thai kỳ nguy hiểm mà thai phụ không lường trước được như:
Mang thai ngoài tử cung:
Nếu mẹ bầu bị đau bụng dưới ở vị trí bên trái thì đó có thể là dấu hiệu đầu tiên của biến chứng mang thai ngoài tử cung. Biến chứng làm bụng đau dữ dội hoặc đau theo từng cơn, âm đạo chảy máu bất thường, kèm theo nôn mửa dữ dội.
Những đối tượng thường có nguy cơ mang thai ngoài tử cung thường gặp là: Những người có tiền sử mang thai ngoài tử cung. Những người đã từng phẫu thuật vùng chậu, nhiễm trùng vùng chậu, bụng hoặc ống dẫn trứng. Những người bị lạc nội mạc tử cung, thắt ống dẫn trứng hoặc sử dụng que ngừa thai IUD. Những người có tử cung bất thường hoặc đã từng sử dụng kỹ thuật sinh sản nhân tạo.
Dọa sảy thai
Dọa sảy thai là tình trạng thai vẫn còn sống nhưng mẹ bầu vẫn xuất hiện các triệu chứng chảy máu âm đạo và đau vùng bụng dưới, bụng đau từng cơn, kèm theo co giật.
Đau bụng dưới khi mang thai là dấu hiệu cảnh báo cho một số biến chứng thai kì nguy hiểm (Ảnh minh họa).
Tiền sản giật
Tiền sản giật khi mang thai sẽ bao gồm các triệu chứng bụng dưới đau liên tục, kèm theo huyết áp tăng, chân tay và cơ thể bị phù nề. Tiền sản giật thai kì ở mức độ nặng thường đi kèm với chứng đau ở phần trên bên phải bụng với các triệu chứng buồn nôn, đau đầu, sưng phù và rối loạn thị giác.
Tiền sản giật thai kì được xem là một biến chứng rất nguy hiểm có thể khiến mẹ bầu và thai nhi tử vong. Do đó, mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý, khi thấy xuất hiện các triệu chứng của tiền sản giật, mẹ bầu cần đến bác sĩ ngay để được chuẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường đi kèm với các triệu chứng điển hình như đau bụng dưới, mắc tiểu đột ngột, đau rát khi đi tiểu và đi tiểu ra máu dẫn đến nhiễm trùng thận và làm tăng nguy cơ sinh non.
Nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ được phát hiện khi kiểm tra nước tiểu trong mỗi lần khám thai.
Ngoài ra, đau bụng dưới khi mang thai cũng có thể là cảnh báo cho các triệu chứng bong màng nuôi, đau ruột thừa khi mang thai, mang thai kèm theo khối u, sảy thai hoặc động thai…