Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới, tim bẩm sinh chiếm khoảng 0,8% tổng số trẻ sơ sinh lúc chào đời. Ở Việt Nam, tỷ lệ này dao động vào khoảng 0,8-1%.
Tại sao trái tim con không khỏe?
Một khi đã nói trẻ bị tim bẩm sinh thì cần hiểu rằng ngay từ khi mới sinh ra, trẻ đã mang những bất thường về cấu trúc của buồng tim, các vách ngăn trong tim, các van tim, những mạch máu lớn xuất phát từ tim. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó có thể kể đến tình trạng bất thường của các nhiễm sắc thể số 13, 18, 21 (hội chứng Down), 22 hoặc của các nhiễm sắc thể giới tính như XO (hội chứng Turner), XXY (hội chứng Klinefelter).
Một nguyên nhân khác dẫn đến tim bẩm sinh là do di truyền trong gia đình. Nguyên nhân này chiếm khoảng 3% các trường hợp tim bẩm sinh. Chính vì thế, nếu bạn sinh ra trong một gia đình có nhiều người mắc phải bệnh tim, hoặc bên gia đình chồng có tình trạng tương tự thì phải hết sức cẩn thận khi quyết định mang thai và có con. Trong quá trình mang thai phải thăm khám cẩn thận hơn bình thường.
Ngoài ra, còn có các yếu tố từ môi trường sống có thể tác động lên cơ thể người mẹ lúc mang thai như tia phóng xạ, tia X, hóa chất, rượu, thuốc an thần, thuốc nội tiết tố, thuốc kích thích, mẹ mắc một số bệnh do siêu vi trùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ mắc bệnh tiểu đường, lupus đỏ… cũng sẽ dẫn đến tình trạng bé sinh ra bị tim bẩm sinh. Chính vì thế, lại phải nhắc một lần nữa rằng mỗi người phụ nữ trước khi mang thai cần khám sức khỏe tổng quát, chích ngừa các bệnh như sởi, quai bị, Rubella, viêm gan siêu vi B, ổn định các bệnh tiểu đường, lupus… rồi mới được có thai. Trong suốt quá trình chín tháng thai kỳ, cần tuyệt đối tránh uống rượu, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, dùng thuốc phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh cho con nguy cơ chào đời với một trái tim không khỏe mạnh.
Làm sao biết con bị tim bẩm sinh?
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ báo cho bạn biết ngay từ khi bạn mang thai (qua siêu âm) hoặc bé mới chào đời. Tuy nhiên, một số trường hợp khác khó nhận biết hơn, mẹ cần lưu ý theo dõi để có thể sớm đưa con đến bệnh viện theo dõi và điều trị. Những dấu hiệu cho thấy trẻ bị tim bẩm sinh bao gồm:
– Trẻ hay bị ho, hơi thở khò khè tái đi, tái lại nhiều lần.
– Khi trẻ thở, trẻ có vẻ rất khác thường (hơi thở nhanh, lồng ngực bị rút lõm khi hít vào).
– Trẻ rất hay bị sưng phổi.
– Nước da của trẻ xanh xao.
– Trẻ thường lạnh và dễ vã mồ hôi.
– Môi và đầu ngón tay, ngón chân của trẻ thường tím tái (tím tái thường xuyên hoặc tím tái khi rặn đi ngoài).
– Trẻ bú kém, thường đang bú sẽ ngừng lại, nghỉ một lúc rồi mới bú tiếp được.
– Trẻ chậm lên cân, chậm phát triển so với những bé cùng tháng khác (chậm biết lật, biết bò, chậm biết đi đứng, chậm mọc răng…).
– Ngủ không yên giấc.
– Hay có dấu hiệu phù mặt, mi mắt nặng…
– Đặc biệt cha mẹ phải nghĩ ngay đến tim bẩm sinh nếu như trẻ chào đời có một số tật bệnh khác đi kèm như: trẻ mắc hội chứng Down, sứt môi, thiếu hoặc thừa ngón tay chân, đầu to, đầu nhỏ…
Trẻ bị tim bẩm sinh nghĩa là trẻ cả đời yếu ớt?
Nhiều người gọi tim bẩm sinh là “bệnh nhà giàu” vì việc điều trị sẽ rất tốt kém, những gia đình kinh tế khó khăn sẽ chới với mới lo nổi cho con. Nhiều người khác cho rằng trẻ bị tim bẩm sinh thì chẳng khác nào bị một cái án treo lơ lửng trên đầu, cả cuộc đời trẻ sẽ yếu ớt, chẳng thể sống hay sinh hoạt bình thường được nữa.
Tuy nhiên, bạn không nên để những suy nghĩ này ám ảnh mình. Thực tế, nếu phát hiện sớm những triệu chứng trên và đưa trẻ đến bệnh viện để chẩn đoán, điều trị kịp thời thì trẻ có thể được điều trị khỏi những khuyết tật trong tim để có được cuộc sống gần như bình thường. Tại Việt Nam, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật được một số tật tim bẩm sinh như thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ… Việc kịp thời phát hiện và hết lòng chữa trị cho trẻ còn giúp ngăn ngừa được những cơn suy tim, những cơn khó thở hay tình trạng nhiễm trùng nặng.
Bạn cũng cần biết rằng không phải bệnh tim bẩm sinh nào cũng cần phẫu thuật. Có một số bệnh thông liên thất nhỏ phần cơ hoặc hẹp van động mạch phổi nhẹ không cần phải phẫu thuật, chỉ cần dùng kháng sinh dự phòng hoặc làm các thủ thuật đường hô hấp hay đường niệu mà thôi. Tim bẩm sinh có thể chữa khỏi, trẻ lớn lên hoàn toàn có thể sống bình thường, lập gia đình và có con cái. Vì thế, lời chia sẻ với bạn là đừng tuyệt vọng khi nghe bác sĩ đưa ra thông báo rằng bé có bất thường về quả tim. Bởi vì chỉ cần có được sự nỗ lực hết mình của bạn và của chính bé, thì trong cuộc chiến này, rất có thể bé yêu của bạn sẽ giành phần thắng!
Bác sĩ Phạm Khuê Anh
(BV Nhi Đồng 1)
Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh ở Việt Nam vào khoảng 0,8-1% và khoảng 80% trẻ bị bệnh sẽ tử vong ngay trong năm đầu tiên nếu không được điều trị.
Trẻ bị tim bẩm sinh cần được đặc biệt lưu ý đến vấn đề chăm sóc răng miệng ngay từ khi bắt đầu mọc răng. Cần vệ sinh răng cho bé chu đáo sau mỗi bữa ăn, đưa bé đi khám răng định kỳ. Trường hợp cần nhổ răng, phải báo cho nha sĩ biết trẻ bị tim bẩm sinh để trẻ được uống kháng sinh dự phòng nhiễm trùng và có chế độ theo dõi đặc biệt trước, trong và sau quá trình nhổ.