Mẹ&Con – Để con an toàn và phát triển khỏe mạnh, mẹ cần chú ý những dấu hiệu bất thường của trẻ sơ sinh khi ngủ dưới đây.
Bé ngủ ngáy – dấu hiệu bất thường của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh ngủ ngáy thường là do đường hô hấp của bé còn khá nhỏ, hẹp, lại nhiều chất bài tiết nên khi bé thở, không khí đi vào, va chạm với chất bài tiết tạo ra các âm thanh như tiếng ngáy. Hiện tượng này sẽ tự biến mất khi bé lớn lên, đường thở mở rộng hơn.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bé ngủ ngáy là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp phải một số bệnh lý như cảm cúm, viêm amidan, dị ứng mũi, viêm xoang, nhiễm khuẩn ngoại lai hoặc mọc u ở mũi.
Khi bé ngủ ngáy kéo dài, mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa tai, mũi họng để bác sĩ kiểm tra. Mẹ tránh để tình trạng này diễn ra quá lâu làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng vì một số trường hợp ngủ ngáy có thể dẫn tới ngừng thở.
Bé ngủ li bì
Ngủ li bì là một trong các dấu hiệu bất thường của trẻ sơ sinh mẹ cũng nên lưu ý. Trung bình, trẻ sơ sinh sẽ có giấc ngủ khoảng 16-20 giờ mỗi ngày và khoảng 2 giờ 1 lần, bé sẽ thức dậy để bú sữa. Giấc ngủ dài nhất của bé không kéo dài quá 5 giờ. Nếu đột nhiên, bé ngủ nhiều hơn bình thường và tỏ ra mệt mỏi, uể oải, thì mẹ nên cẩn trọng đấy nhé.
Bé ngủ li bì có thể là do bé đang sốt hoặc mất nước, trường hợp xấu là do bé mắc một số bệnh nguy hiểm như viêm não hay viêm màng não. Để chắc chắn, mẹ có thể đưa bé đến bệnh viện thăm khám nếu bé đột ngột ngủ nhiều.
Bé đổ mồ hôi trộm
Nếu bé nhà bạn đổ nhiều mồ hôi trong lúc ngủ mà không liên quan đến thời tiết, bé mặc nhiều quần áo hay đắp nhiều chăn thì rất có thể mồ hôi trộm của bé đang cảnh báo vấn đề về sức khỏe.
Bé đổ mồ hôi trộm có thể là do thiếu hụt canxi, bị sốt, mắc chứng còi xương hoặc mắc lao sơ nhiễm. Cha mẹ cần theo dõi dấu hiệu ra mồ hôi ở trẻ, nếu còn kèm theo những dấu hiệu bất thường khác thì cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Bé khó ngủ ngon và sâu giấc
Chế độ dinh dưỡng không cân bằng, thiếu một số vi chất cần thiết cho giấc ngủ như kẽm, canxi, vitamin D… có thể khiến bé khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Để khắc phục, mẹ chỉ cần tăng cường các khoáng chất này vào thực đơn hàng ngày của trẻ qua các thực phẩm như tôm, cua, cá, rau ngót, đậu tương… Với trẻ sơ sinh, tắm nắng mỗi sáng là một cách hữu hiệu để giúp bé hấp thụ canxi thông qua quá trình tổng hợp vitamin D.
Ngoài ra, “thủ phạm” khiến bé bị rối loạn giấc ngủ cũng có thể là do bé đang trong giai đoạn mọc răng hoặc mắc một số bệnh lý khiến bé khó chịu.
Dấu hiệu bất thường của trẻ sơ sinh khi ngủ trên đây hy vọng đã cung cấp cho các mẹ những thông tin hữu ích để chăm sóc sức khỏe của bé cưng tốt hơn. Chúc các bé luôn vui khỏe, phát triển tốt!