Nổi mẩn đỏ ở mông và vùng kín là biểu hiện ban đầu của một số bé sau thời gian dài lạm dụng, dùng bỉm 24/24. Theo các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu, nếu bạn mặc bỉm quá lâu sẽ khiến da trẻ khó chịu, dễ bị hăm. Việc đóng bỉm cả ngày sẽ không tránh khỏi bị dính nước tiểu, lâu dần dẫn đến lở loét, ảnh hưởng tới da và sức khỏe của trẻ.
Tránh lạm dụng, sử dụng bỉm 24/24 để tránh những tác động xấu đến sức khỏe bé. (Ảnh minh họa)
Thực tế, tại các bệnh viện cũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị viêm da kích ứng, ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục do bố mẹ dùng bỉm sai cách. Việc cho trẻ dùng bỉm cả ngày hoặc dùng trong thời gian dài sẽ tạo cho trẻ thói quen xấu khi không kiểm soát được việc tiểu tiện, thậm chí hay bị tè dầm. Nếu kéo dài, trẻ sẽ mất dần phản xạ báo hiệu cho bố mẹ khi đã biết nói.
Nguy hiểm hơn, nếu cho bé trai mặc bỉm trong thời gian dài còn gây hại cho tinh hoàn. Lý do là vì khi mặc bỉm thường bị kín hơi, bó sát vào cơ thể trẻ làm nhiệt độ tăng lên. Trong khi đó, nhiệt độ thích hợp nhất cho tinh hoàn bé trai là khoảng 34ºC.
Khi nhiệt độ tăng lên tới 37ºC và nếu tình trạng này diễn ra lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến tinh hoàn trong việc sản xuất tinh trùng của bé khi lớn lên. Ngoài ra đóng bỉm chật, vệ sinh không đúng cách có thể gây viêm niệu đạo, viêm bao quy đầu cho trẻ vì các chất cặn đóng lại ở da bao quy đầu.
Không chỉ ảnh hưởng tới bé trai mà việc lạm dụng bỉm còn khiến các bé gái gặp nhiều rắc rối.
Trường hợp mới nhất là bé gái 15 tháng tuổi ngụ tại Hàng Bột, quận Đống Đa (Hà Nội) phải thực hiện phẫu thuật tách môi bé. Theo người nhà của bé cho biết, ngay từ lúc chào đời bé đều đóng bỉm. Đến khi phát hiện có điều bất thường khi bé đi tiểu thì mẹ của bé mới tá hỏa đưa bé vào bệnh viện.
Sau khi kiểm tra, các bác sĩ cho biết bé bị dính môi bé. Đây là một dạng dị tật vùng kín ở bé gái, nguyên nhân không phải do bẩm sinh mà là do vệ sinh không đúng cách và từ tác nhân lạm dụng mặc bỉm.
Dính âm môi hay dính môi bé là hiện tượng hai môi bé bộ phận sinh dục nữ dính lại với nhau chỉ còn một khoảng trống nhỏ, một số khác lại bịt kín. Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ từ ba tháng đến sáu tuổi và có thể kéo dài đến lúc trẻ dậy thì.
Biến chứng gây khó tiểu, tiểu không tự chủ và viêm nhiễm bộ phận sinh dục cho trẻ. Chính vì thế, bố mẹ phải để ý thật kỹ những dị tật này để có biện pháp điều trị sớm cho trẻ. Khi mặc bỉm cho trẻ vẫn phải kiểm tra vệ sinh vùng kín thật sạch sẽ, chú ý quan sát thật kỹ để phát hiện những bất thường. Tốt nhất, mẹ chỉ nên đóng bỉm cho trẻ vào buổi tối. Hạn chế bắt bé phải mặc bỉm, tã, nhất là vào những ngày nóng.