Chung sống như vợ chồng được hiểu là việc nam, nữ sống chung và coi nhau là vợ chồng; việc sống chung có thể được công khai hoặc không công khai nhưng những người sống chung cùng sinh hoạt chung như một gia đình.
Thực tế hiện nay tình trạng nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng và tình trạng đã có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này để lại nhiều hệ quả xấu cho xã hội.
(Ảnh minh họa)
Câu hỏi đặt ra là việc sống chung như vợ chồng với người khác bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì hành vi chung sống như vợ chồng với người khác là một trong những hành vi bị cấm, cụ thể: “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng”. (điểm c khoản 2 Điều 5)
Hành vi chung sống như vợ chồng đã phạm phải điều cấm của luật thì chắc chắn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; hiện nay pháp luật áp dụng hai chế tài đối với hành vi này: xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự, như sau:
Thứ nhất, về xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; chưa có vợ, có chồng mà kết hôn với người mà mình viết rõ là đang có vợ, có chồng;
– Đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
– Chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ, có chồng.
Thứ hai, về truy cứu trách nhiệm hình sự: Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. (Điều 147)
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”. (Điều 182)
Để có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính hành vi chung sống như vợ chồng hay tố giác tội phạm hình sự thì chủ thể yêu cầu cần có được chứng cứ để chứng minh vợ, chồng của mình có hành vi chung sống như vợ chồng với người khác.
Việc chung sống với nhau như vợ chồng và không đăng ký kết hôn không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng, vì thế nếu giữa hai người chung sống với nhau có hình thành tài sản chung thì tài sản này được giải quyết theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật dấn sự về tài sản thuộc sở hữu chung.
Bên cạnh đó thực tế hiện nay, nhiều trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng và có con chung, mặc dù không có quan hệ vợ chồng nhưng quan hệ giữa cha mẹ con không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân, cho nên mối quan hệ sẽ được giải quyết theo quy định của Luật hôn nhân gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. Cha, mẹ có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng và có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết quyền nuôi con khi xảy ra tranh chấp.