Trẻ nằm võng không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh. (Ảnh minh họa)
Nằm võng được xem là một giải pháp hiệu quả giúp bé dễ ngủ và ngủ sâu giấc hơn. Tuy nhiên, việc nằm võng không đúng cách trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như trí tuệ của trẻ nhỏ.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ đang trong giai đoạn 0-5 tuổi, khi hệ xương và thần kinh chưa phát triển hoàn thiện, việc nằm ngủ trên bề mặt không bằng phẳng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Để đảm an toàn cho con, dưới đây là những lời khuyên cho trẻ nằm võng đúng cách mà bố mẹ nên “bỏ túi”.
Ảnh hưởng đến hệ thần kinh
Nằm võng cũng đồng nghĩa với việc gây ra những chấn động, rung lắc mạnh tác động đến hệ thần kinh của trẻ, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh. Theo các chuyên gia, cứ 3-5 giây rung lắc mạnh, não bé phải chịu nhiều tổn thương như chậm phát triển trí tuệ, động kinh, rối loạn ngôn ngữ…
Chắc hẳn lâu nay vẫn nghĩ đơn giản rằng, việc đong đưa chiếc võng sẽ giúp con yêu nhanh chìm vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bởi khi đưa võng, độ rung lắc mạnh khiến bé mệt nên bé mới đi vào giấc ngủ nhanh như vậy. Đây là giấc ngủ ép buộc chứ không phải là giấc ngủ tự nhiên. Thế nên, việc cho trẻ nằm võng đúng cách là điều hết sức cần thiết.
Ngoài ra, việc rung lắc còn khiến hệ thần kinh mệt mỏi, mặc dù đã đi vào giấc ngủ nhưng bé vẫn trong trạng thái run sợ, thậm chí đôi khi còn giật mình. Đây cũng là nguyên nhân khi bạn ôm con ra khỏi võng, con dễ bị giật mình, khóc thét, hai bàn tay bấu víu lấy mẹ…
Tác động tiêu cực đến hệ xương
Ảnh minh họa.
Hệ xương, đặc biệt là phần xương cổ và hộp của trẻ dưới 2 tuổi còn non yếu nên dù chỉ là một chuyển động mạnh hay hành động tung đỡ (chơi trò “máy bay”) cũng có thể khiến bé bị chảy máu não.
Do không được nằm trên mặt phẳng, trẻ nằm võng dễ bị cong vẹo cột sống, đồng thời ảnh hưởng đến tim và phổi đặc biệt với bé bị còi xương. Điều này được lý giải là do cột sống của bé còn mềm, chưa đủ độ vôi hóa như người trưởng thành. Ngoài ra, khi đốt sống cong, lồng ngực của trẻ sẽ trở nên khó thở do lưng bị gù ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của tim và phổi.
Nên cho trẻ nằm võng thế nào?
Cho trẻ nằm võng đúng cách là khi mẹ đu đưa nhẹ ở một mức độ vừa phải để tránh những tác động không hay đến trẻ nhỏ.
– Không cho trẻ ngủ võng quá sớm nếu chưa đủ 3 tháng.
– Mẹ chỉ nên cho bé nằm võng trong những giấc ngủ ngắn vào ban ngày. Không để trẻ ngủ quá lâu suốt giấc ngủ ban đêm.
– Lót chiếu nhỏ hoặc cho trẻ nằm chéo so với chiều võng để lưng trẻ được nâng đỡ tốt nhất.
– Nên có dụng cụ chắn võng ngang để tránh trường hợp trẻ bị lật võng, té ngã trong lúc ngủ.
– Không nên đung đưa võng quá lâu và quá mạnh để tránh ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ.