Mẹ&Con - Bé nhà bạn đang tận hưởng những ngày hè hết sức thú vị. Tuy nhiên, với tiết trời nóng bức như thế này, trẻ sẽ ra mồ hôi, mất nước khi hoạt động quá nhiều. Vì thế, bố mẹ cần có sự chuẩn bị chu đáo để con không bị mất nước, mất sức mà bỏ lỡ cuộc chơi nhé! Điều gì sẽ xảy ra khi cơ thể bị thiếu nước? Làm sao biết con thiếu nước?

Vai trò quan trọng của nước với trẻ

Trẻ bị thiếu nước sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe 5

Nước đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể của trẻ. (Ảnh minh họa)

Như bạn đã biết, nước chiếm 60-70% trọng lượng cơ thể và đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là đối với trẻ nhỏ như: giải phóng nhiệt độ bằng cách tiết ra mồ hôi khi cảm thấy nóng bức, hỗ trợ đào thải chất cặn bã ra ngoài qua phân và nước tiểu, tham gia vào quá trình trao đổi chất với vai trò như một dung môi, vận chuyển chất dinh dưỡng đến từng tế bào…

Từ đó có thể thấy rằng, với trẻ nhỏ nước càng quan trọng hơn rất nhiều. Nếu trẻ bị thiếu nước, trẻ sẽ suy giảm tuần hoàn, huyết áp giảm, nhịp tim nhanh, thậm chí là bất tỉnh.

Biểu hiện khi trẻ thiếu nước: 

Ở độ tuổi đến trường, trẻ cần khoảng 1.000 – 1.500ml/ngày bao gồm cả nước lọc, trái cây, canh… Nếu trẻ bị thiếu nước sẽ có biểu hiện như: khô da, táo bón, môi khô, sức đề kháng kém, thiếu linh hoạt, nhanh mệt…

Mệt mỏi: Thiếu nước sẽ làm trẻ nhanh mệt mỏi, thiếu linh hoạt. Vì thế, trẻ sẽ không hứng thú khi tham gia các trò chơi với bạn bè. Khi thấy con có biểu hiện này, bạn hãy nhanh chóng bổ sung nước cho trẻ nhé.

Da khô, mất tính đàn hồi: Tình trạng mất nước ở trẻ thể hiện rất rõ qua làn da. Khi bạn ấn vào thấy da không nhanh chóng trở lại trạng thái ban đầu là dấu hiệu thiếu nước.

Miệng khô, môi rộp, xung quanh miệng đọng nước bọt trắng: Đây cũng là những biểu hiện rõ ràng nhất chứng tỏ trẻ đang không nạp đủ nước cho cơ thể.

Tiểu ít: Thông thường, trẻ có thể đi tiểu từ 5-6 lần/ngày, tùy thuộc vào việc uống nhiều hay ít nước. Vì thế, nếu mẹ thấy bé đi tiểu ít hơn 4 lần/ngày, nước tiểu màu vàng sậm, nặng mùi… hãy nhanh chóng nhắc trẻ bổ sung nước cho cơ thể ngay lập tức.

Hỗ trợ trẻ uống nhiều nước

Trẻ bị thiếu nước sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe 6

Mùa hè, bố mẹ nên chủ động phòng tránh để trẻ không bị thiếu nước. (Ảnh minh họa)

Do tính hiếu động, thích khám phá nên trẻ không quan tâm nhiều đến việc bổ sung nước cho cơ thể. Bên cạnh đó, một số trẻ không thích uống các loại nước lọc thông thường khi thời tiết nóng bức. Vì thế, bố mẹ nên quan tâm đến việc bổ sung nước cho con và đặc biệt là có thể chế biến tại nhà các loại nước mát để dỗ con uống nhiều nước hơn, phòng tránh trẻ bị thiếu nước bằng cách:

– Chia sẻ với trẻ về tầm quan trọng của nước đối với cơ thể. Lâu dần, việc này sẽ hình thành nên ý thức tăng cường bổ sung nước, ngay cả khi trẻ không khát để không bị thiếu nước.

– Khi con biết uống nước một cách “lành mạnh”, tránh xa thức uống nhiều đường và có gas, bố mẹ nên có một phần thưởng nhỏ để cổ vũ con tiếp tục thực hành thói quen tốt.

– Chế biến nhiều loại nước đa dạng để con thưởng thức. Bạn hãy cho trẻ biết là mình đã chuẩn bị một loại nước rất thơm ngon để con tò mò.

– Thêm nữa, bạn hãy cho nước của bé vào một chiếc cốc có hình dáng, màu sắc đẹp để tạo sự hứng thú. Nếu được, bạn nên trang trí một ít trái cây, loại đá viên có hình ngộ nghĩnh.

Lưu ý khi cho trẻ uống nước:

– Với trẻ có cân nặng trên 10kg, ngoài lượng nước tiêu chuẩn như đã nêu ở trên, bạn nên tăng cường nước theo nguyên tắc thêm 1kg cân nặng là 50ml/ngày.

– Uống những loại nước có nguồn gốc tự nhiên như nước lọc, trái cây, nước canh rau.

Hạn chế nước khoáng vì thận của trẻ còn non yếu, chưa thể đào thể các khoáng chất như natri, kali, canxi… ra khỏi cơ thể

– Tránh xa các loại nước ngọt có gas, nước tăng lực, trà, cà phê để tránh cho trẻ nguy cơ tiểu đường và bị kích thích thần kinh.

– Chia nhỏ nước ra cho trẻ uống nhiều lần trong ngày. Không nên uống quá nhiều, quá nhanh nước trong một khoảng thời gian ngắn.

– Không cho trẻ dùng nước lạnh, tốt nhất là nên để mát trong khoảng 15 độ C. 

Tags:

Bài viết liên quan