Viêm não Nhật Bản thường gia tăng vào mùa hè, đỉnh điểm là từ tháng 5 đến tháng 7. Do vào thời điểm này, muỗi truyền bệnh phát triển mạnh và cũng là mùa của nhiều loại hoa quả chín rộ, thu hút chim, dơi hoang dã mang theo mầm bệnh, sau đó lây sang đàn heo, gia súc gần người rồi lây sang người qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi.
Viêm não Nhật Bản dễ gặp nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, dễ để lại di chứng nặng nề, đặc biệt là di chứng về thần kinh. Hơn nữa, do bệnh có những triệu chứng ban đầu rất giống với các bệnh lý thông thường khác như cảm, sốt, đau đầu… nên nhiều mẹ hay nhầm tưởng, rồi chủ quan tự điều trị ở nhà cho con. Khi bệnh đã nặng, các mẹ mới đưa con đến bệnh viện thì đã nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, mẹ hãy cảnh giác và nắm ngay những triệu chứng dưới đây của bệnh để bảo vệ sức khỏe con yêu nhé!
Biểu hiện khi bé mắc viêm não Nhật Bản
Những biểu hiện khởi phát của viêm não Nhật Bản rất giống với các bệnh lý thông thường khác. (Ảnh minh họa)
Biểu hiện ban đầu của viêm não Nhật Bản là khi virut xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt là hệ thống thần kinh, trẻ sẽ có những biểu hiện: khó chịu, kém ăn, lười vận động, hay quấy khóc… Ngoài ra, một số trẻ có thể sẽ bị sốt kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn hoặc nôn liên tục (không liên quan đến bữa ăn của trẻ), đôi khi ho, tiêu chảy.
Sau đó, trẻ sẽ bước vào giai đoạn viêm não cấp tính với thân nhiệt tăng cao ở mức 39-40 độ C, sốt liên tục, đau đầu, cứng gáy, nôn chớ nhiều, bỏ ăn. Và 1-2 ngày tiếp theo, bé sẽ có dấu hiệu thần kinh trung ương bị thương tổn như co giật, run giật tự nhiên, thậm chí rối loạn ý thức, hôn mê, tiết nhiều đờm dãi. Nếu trẻ không được điều trị kịp thời, có thể để lại nhiều di chứng về thần kinh như mất trí nhớ, cấm khẩu, liệt, thần kinh, trầm trọng hơn là tử vong.
Cách giúp bé tránh xa viêm não Nhật Bản trước mùa bệnh
Như đã nói ở trên, vật trung gian chính truyền bệnh viêm não Nhật Bản là muỗi. Vì vậy, muốn phòng bệnh cho bé trước tiên là tránh để bé bị muỗi đốt. Cách phòng này cũng tương tự cách phòng bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, khi con nằm ngủ, mẹ cũng nhớ mắc màn, có thể sử dụng hương muỗi, thuốc xịt muỗi hoặc kem bôi chống muỗi đốt. Bên cạnh đó, việc phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh quanh nhà cũng nên được quan tâm thường xuyên hơn, nhằm tránh tạo môi trường cho muỗi cư trú và sinh sôi, phát triển.
Đặc biệt, cách giúp con tránh xa căn bệnh nguy hiểm này tốt nhất và được các chuyên gia khuyên nên thực hiện là tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch. Được biết, hiện nay lịch tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em từ 1-5 tuổi là như sau: mũi 1 (khi trẻ đủ 1 tuổi), mũi 2 (sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần) và mũi 3 (sau mũi 2 là một năm).