Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi có xu hướng đặt mọi thứ mà chúng với được trong tầm tay vào miệng. Phản xạ tự nhiên này là hành động để bé tìm hiểu thế giới xung quanh, mở rộng kỹ năng sống. Điều này rất tốt, song cũng rất nguy hại bởi trẻ có thể gặp phải những tai nạn không mong muốn như nuốt nhầm các con côn trùng, hóa chất, vật sắc nhọn, cứng… khiến trẻ bị ngộ độc. Những “kẻ thù” tiềm ẩn này có mặt ở khắp mọi nơi, xung quanh nhà cửa, vườn tược của bạn…
Bố mẹ có thể ngăn ngừa con cái tiếp xúc với những nguy hiểm này bằng cách “nhốt” con ở yên một chỗ. Tuy nhiên, chúng ta không thể ngăn cấm con cái 24/24. Do đó, chính phụ huynh phải nhận thức được các biện pháp phòng ngừa, dấu hiệu ngộ độc và cách xử trí trong trường hợp cần thiết để đảm bảo sức khỏe cũng như tính mạng của bé yêu khi trẻ bị ngộ độc.
Những thứ có thể gây ngộ độc ngẫu nhiên
– Các sản phẩm làm sạch trong gia đình (nước rửa chén, xà bông giặt đồ, nước lau kính…)
– Mỹ phẩm và dụng cụ trang điểm
– Các loại thuốc theo toa
– Sơn tường
– Thuốc trừ sâu
– Thuốc diệt chuột, gián, kiến
– Tinh dầu
– Nước hoa
– Dung dịch khử mùi
– Kem cạo râu
Nếu bố mẹ bị bệnh, hãy nhớ đừng uống thuốc trước mặt con nhỏ. (Ảnh minh họa)
Nhận biết dấu hiệu ngộ độc
Nếu con bạn đột nhiên bị ốm, kèm theo các biểu hiện dưới đây thì việc nghi ngờ trẻ bị ngộ độc hoàn toàn có cơ sở:
– Sốt
– Nôn ói
– Tiêu chảy
– Buồn ngủ bất thường
– Đau bụng
– Đau miệng
– Đau đầu
– Cáu gắt
– Thở bất thường
– Chán ăn
– Phát ban trên da
– Động kinh
– Da và môi nhợt nhạt
Ngăn ngừa trẻ ngộ độc trong chính căn nhà của bạn (Ảnh minh họa)
Phải làm gì nếu chúng rơi vào trường hợp này?
Nếu con bạn bị một vài hoặc tất cả các triệu chứng nêu trên, bạn cần nhanh chóng làm theo các bước dưới đây:
1. Cố gắng tìm ra thứ mà trẻ đã nuốt phải
2. Xác định số lượng mà chúng dùng
3. Đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt
4. Cố gắng lấy mẫu một thứ mà bé nuốt phải. Nếu bạn biết đó là gì, hãy nói với bác sĩ
5. Nếu có thể, hãy mang nguyên thứ đồ đó đến để các bác sĩ kiểm tra. Điều này sẽ giúp họ có kế hoạch chữa bệnh nhanh và chính xác hơn.
Làm thế nào để ngăn ngừa ngộ độc?
– Lọc ra và vứt hết đi những thứ có thể gây hại cho bé trong gia đình, đừng “tiếc của” mà chỉ giữ lại những thứ thực sự cần thiết
– Những thứ này phải luôn luôn được khóa lại và để xa tầm tay trẻ em. Tốt nhất là nên để trên cao, chứ không phải ở mặt bàn hoặc túi xách.
– Hãy nhớ rằng, trẻ em bắt chước rất nhanh. Nếu không khóa tủ lại mà chỉ đóng – mở thì sau một vài lần nhìn lén ba mẹ thực hành, trẻ cũng có thể tự ý làm tương tự.
– Các chất độc hại như chất tẩy rửa, xà bông, nước xả… tuyệt đối không được lưu trữ trong các vỏ chai tương tự như chai nước ngọt, chai thực phẩm… Trẻ có thể nhầm những thứ này là thức ăn và “xử lý” chúng ngon ơ. Tốt nhất, những thứ này phải được đựng trong vỏ hộp nguyên thủy ban đầu của chúng.
– Không bao giờ được đùa giỡn rằng những chất gây hại này là sô cô la hoặc phô mai, bánh ngọt… Bởi có thể sau đó, khi nhớ ra trẻ sẽ ăn nó.
– Nếu trẻ thấy ba mẹ cho thuốc vào miệng rất có thể chúng sẽ bắt chước khi bạn vắng nhà.
– Nếu bạn có khách tới chơi nhà, hãy yêu cầu họ cất túi xách của mình ở những nơi xa tầm tay trẻ.
– Nếu bạn tới nhà người khác chơi, hãy để mắt tới con bạn. Đảm bảo rằng bé luôn ở trong tầm kiểm soát của mình nhằm kịp thời ứng phó nguy hiểm ập đến bất cứ lúc nào.