Trẻ em đang có xu hướng dậy thì sớm. (Ảnh minh họa)
Ông bà thời xưa có câu “nữ thập tam, nam thập lục”, tức là ám chỉ về độ tuổi dậy thì ở nam và nữ. Giai đoạn này khiến trẻ thay đổi cả về tâm lý, ngoại hình, biến hóa những cô bé thành những thiếu nữ xinh đẹp, những cậu bé trưởng thành, nam tính hơn… Thế nhưng hiện nay, trẻ em đang có xu hướng dậy thì sớm gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của trẻ.
Theo các nhà khoa học, thời điểm bắt đầu dậy thì chính là cột mốc đánh dấu cơ bản về tình trạng sức khỏe sinh sản của nam giới. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn chuyển tiếp giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành khi nam giới bắt đầu có khả năng sinh sản. Thông thường, độ tuổi dậy thì sẽ khác nhau nhưng chủ yếu nằm trong khoảng từ 9-14 tuổi. Độ tuổi dậy thì cũng phụ thuộc vào sự khác biệt gen, lối sống và các yếu tố môi trường.
Theo đó, các nhà nghiên cứu tại Đan Mạch tiến hành tìm hiểu 1.068 nam giới ở độ tuổi 19. Họ được yêu cầu hoàn thiện một bảng hỏi bao gồm thông tin chi tiết về những thay đổi xuất hiện trước, trong và sau khi dậy thì so với bạn bè cùng trang lứa. Kết quả cho thấy, tình trạng dậy thì sớm hay muộn hơn ở nam giới so với bạn cùng tuổi sẽ có chất lượng tinh trùng kém hơn, tinh hoàn nhỏ hơn.
Tác hại của dậy thì sớm
Dậy thì sớm ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu dậy thì đầu tiên ở bé trai là sự phát triển của lông mu và tinh hoàn. Thông thường, các tinh hoàn tăng lên khoảng 4mm trong tuổi dậy thì và ở độ tuổi trưởng thành đầy đủ sẽ là 25mm.
Trẻ dậy thì sớm sẽ nhanh chóng bị cốt hóa các đầu xương dài dẫn đến ngưng tăng trưởng chiều cao khiến thấp lùn hơn khả năng di truyền cho phép. Trong khi đó, dậy thì muộn lại có liên quan đến những rối loạn tâm lý xã hội như nguy cơ béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch… Đặc biệt, tình trạng dậy thì sớm hoặc muộn quá còn có khả năng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao hơn so với các bạn dậy thì bình thường.
Để giúp con vượt qua giai đoạn “khắc nghiệt” này, bố mẹ hãy luôn ở bên cạnh con để sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Đừng quên giải thích cho con hiểu rằng, bất cứ ai cũng đều phải trải qua những thay đổi này nhưng sẽ có người sớm và có người muộn. Đồng thời, thường xuyên trò chuyện cởi mở về những điều con đang lo lắng, khuyến khích con tập thể dục, tích cực tham gia các hoạt động xã hội… Như vậy, mẹ sẽ nhanh chóng giúp con vượt qua thời kỳ khó khăn về mặt tâm lý.