Bệnh Kawasaki là bệnh gì?
Bệnh Kawasaki thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. (Ảnh minh họa)
Kawasaki được phát hiện vào năm 1961 tại Nhật Bản, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Trước đây, bệnh Kawasaki được xem là căn bệnh hiếm, nhưng hiện tại ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh khoảng từ 50 – 100 trẻ/100.000 người. Được biết, mỗi năm bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận và điều trị cho từ 80 – 100 trẻ mắc bệnh này.
Hiện tại chưa có bằng chứng nào chứng minh bệnh Kawasaki có thể lây nhiễm, truyền từ người qua người. Tại Nhật Bản, bệnh thường xuất hiện vào mùa đông xuân, nhưng ở Việt Nam lại rải rác quanh năm. Kawasaki tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì có thể khiến bệnh nhân bị tổn thương động mạch vành. Bên cạnh đó, Kawasaki còn có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ra bệnh viêm gan, vàng da, men gan tăng, hay viêm màng não và viêm tim…
Biểu hiện của bệnh Kawasaki
Bệnh Kawasaki với biểu hiện ngón tay, ngón chân bị bong tróc da. (Ảnh minh họa)
Kawasaki là bệnh cấp tính có viêm mạch hệ thống. Bố mẹ có thể dễ dàng chẩn đoán bệnh của con thông qua các triệu chứng lâm sàng với 6 biểu hiện rõ rệt sau đây:
– Trẻ sốt liên tục trên năm ngày.
– Trẻ có nổi phát ban ở thân, chi, mặt.
– Mắt có triệu chứng đỏ, viêm kết mạc và gỉ.
– Lưỡi đỏ, nổi gồ như quả dâu tây.
– Có hạch cổ sưng to.
– Đầu ngón chân và đầu ngón tay bong tróc da. Còn mu bàn chân và bàn tay sưng đỏ.
Thậm chí là mu bàn chân và bàn tay bị sưng đỏ. (Ảnh minh họa)
Trường hợp những bệnh nhi không có các dấu hiệu điển hình, bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với ban dị ứng hay nhiễm khuẩn do liên cầu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh Kawasaki mang đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.
Hầu hết các bệnh nhân mắc Kawasaki hiện đang được điều trị bằng phương pháp truyền IVIG (Immuno Globuline tĩnh mạch) với kết quả khả quan khi sử dụng vào thời điểm sau 6 ngày và trước 10 ngày kể từ thời gian trẻ bắt đầu sốt.
Các nghiên cứu cho thấy, điều trị bệnh trước sáu ngày sẽ dẫn đến tỷ lệ kháng thuốc cao. Điều trị bệnh đúng thời điểm, tuy không thể giảm 100% các biến chứng nhưng sẽ làm giảm tỷ lệ mắc tổn thương động mạch vành hoặc làm tăng khả năng phục hồi bệnh. Cho đến nay, thế giới ghi nhận Kawasaki là bệnh không lây nhiễm, không di truyền.
Hiện nay bệnh chưa có biện pháp phòng ngừa. Vì vậy, khi phát hiện ra bệnh, bệnh nhân mắc bệnh Kawasaki cần phải được điều trị sớm và đúng cách.