Việc cảm nhận được những cú đạp, đá của thai nhi trong bụng là niềm thích thú của các ông bố, bà mẹ. Bởi đây là dấu hiệu báo thai nhi đang khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Thông thường, bước vào tuần thứ 16-18 của thai kỳ, mẹ đã có thể cảm nhận được những chuyển động của em bé trong bụng. Tuy nhiên, thực tế thì ngay từ tuần thứ 8 của thai kỳ, bé đã có những chuyển động đầu tiên nhưng vì quá nhẹ cộng với lượng nước ối lớn nên những chuyện động này không đủ mạnh để tác động vào thành tử cung làm mẹ không dễ dàng cảm nhận được.
Tuy bé chuyển động đều đặn cả ngày lẫn đêm nhưng mẹ dường như chỉ cảm thấy con hoạt động tích cực vào ban đêm. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia khoa sản, ở giai đoạn tháng thứ 7 và thứ 8 thai kỳ, em bé của mẹ sẽ dành hết thời gian trong ngày để ngủ. Các bé có thể ngủ hết 95% thời gian của một ngày nhưng trong lúc ngủ vẫn chuyển động ít nhất 50 lần mỗi giờ. Tuy bé chuyển động đều đặn cả ngày lẫn đêm nhưng mẹ dường như chỉ cảm thấy con hoạt động tích cực vào ban đêm. Lý do là vì vào đêm, mẹ thả lỏng cơ thể, nằm ổn định, không tập trung vào việc khác và đây cũng là thời điểm yên tĩnh nên mẹ dễ dàng nhận ra từng cú nấc hay cú đạp của con. Trong khi đó, ban ngày, mẹ phải di chuyển và tập trung làm việc nên không để ý đến hoạt động của con và nghĩ rằng bé thích “làm phiền” mẹ vào ban đêm.
Hơn nữa, suốt cả ngày, những hoạt động, di chuyển của mẹ sẽ mang đến cảm giác ru ngủ cho bé. Khi đi ngủ, những vận động đó kết thúc, bé sẽ cảm thấy lạ lẫm, rồi tỉnh giấc sau đó hoạt động nhiều hơn.
Bên cạnh đó, em bé cũng bắt đầu phản ứng với âm thanh vào tháng thứ 7 thai kì và có khả năng thể hiện sự yêu thích về những gì cảm nhận được như: giọng nói của mẹ, giọng nói mới ở xung quanh, hương vị thức ăn mẹ nạp vào…
Giờ thì những thắc mắc của mẹ về việc tại sao con cưng lại hoạt động nhiều hơn vào ban đêm đã được giải đáp rồi phải không nào.
Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh!