Bệnh tay chân miệng đang vào mùa. (Ảnh minh họa)
Bệnh thường gặp ở những trẻ dưới 5 tuổi. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Trẻ bị bệnh tiết vi rút ra môi trường bên ngoài thông qua nước bọt, phân hoặc bóng nước trên da. Sự lây nhiễm cho trẻ khác có thể xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua đồ vật, đặc biệt là những người thường xuyên chăm sóc bé.
Những nơi công cộng, đông người như nhà trẻ, trường học, khu vui chơi, hồ bơi là môi trường thuận lợi để bệnh tay chân miệng lây lan. Một số trường hợp trẻ chỉ vài tháng tuổi, không đi ra khỏi nhà nhưng vẫn bị nhiễm bệnh do người thân có tiếp xúc với dịch tiết trẻ bị bệnh nhưng không rửa tay khi chế biến đồ ăn và khi chăm sóc cho bé.
Thời gian ủ bệnh tay chân miệng được tính từ khi nhiễm bệnh tới khi khởi phát triệu chứng là 3-7 ngày, sau đó đến giai đoạn khởi phát 1-2 ngày và cuối cùng là giai đoạn toàn phát 3-10 ngày.
Bệnh tay chân miệng có thể gây ra các biến chứng như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Biểu hiện chính là tổn thương da, lớp niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
Đa số bệnh tay chân miệng chủ yếu được điều trị tại nhà, phụ huynh không nên quá lo lắng khi được bác sĩ chẩn đoán con bị tay chân miệng. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi sốt, phát hiện sớm những triệu chứng thần kinh như giật mình, hốt hoảng, nôn ói hay tiêu lỏng và điều trị biến chứng. Bên cạnh đó, mẹ cần phải đảm bảo vệ sinh răng miệng, thân thể, cung cấp nước và các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ mỗi ngày.