Những thói quen nguy hiểm
Măm măm nhiều thức ăn lạnh
Nếu cho bé dùng thường xuyên thức ăn, nước uống mát lạnh này sẽ dễ khiến bé bị viêm họng, viêm hô hấp, viêm phổi… (Ảnh minh họa)
Thời tiết nóng bức nên việc “trữ” sẵn các loại thức ăn, uống mát lạnh như kem, trái cây hoặc luôn uống nước đá để giải khát là điều thường thấy ở hầu hết gia đình. Thế nhưng, nếu cho bé dùng thường xuyên thức ăn, nước uống mát lạnh này sẽ dễ khiến bé bị viêm họng, viêm hô hấp và tất yếu là viêm phổi đang chờ trước mắt.
Tắm liền sau khi vận động, chơi thể thao…
Bé sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn, nhất là khi mới chơi đùa hoặc tập thể thao, cộng với việc mặc quần áo không thoáng mát. Trong tình trạng này, hiển nhiên bạn sẽ giục bé đi tắm ngay. Nhưng đó cũng chính là nguyên nhân khiến bé cảm lạnh và dễ viêm phổi nhất.
Thường xuyên dùng máy điều hòa nhiệt độ
Hè là thời gian máy điều hòa nhiệt độ được mở hết công suất và làm việc 24/24 mỗi ngày ở các gia đình. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bé từ phòng lạnh ra ngoài hoặc ngược lại? Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm cơ thể bé khó thích nghi dẫn đến viêm đường hô hấp và cuối cùng là viêm phổi.
Tung tăng cùng nắng gió
Đi tắm biển hay đi bơi là những hoạt động yêu thích nhất tỏng các kỳ nghỉ hè của bé. Tuy nhiên, ngâm mình trong nước lâu, thêm vào đó là nắng gió ở biển hoặc hồ bơi ngoài trời làm bé dễ bị mệt, nhất là với các bé “tiền tiểu học”. Thêm vào đó là sự thay đổi đồng hồ sinh học trong việc ăn, uống, ngủ nghỉ làm bé bị nóng sốt, viêm họng, ho khò khè, đó là những triệu chứng dễ dẫn đến bệnh viêm phổi.
Bé bị cảm nhẹ hay đã bị viêm phổi?
Viêm phổi có thể do vi rút hoặc vi khuẩn gây nên. Nếu không để ý, bạn có thể nhầm những triệu chứng ban đầu của viêm phổi với cảm cúm bình thường. Sốt, đau họng, ho khò khè, chảy nước mũi hay bỏ bữa ăn, quấy khó… là những biểu hiện thường gặp. Nếu để lâu sẽ phát triển thành sốt cao li bì, ho có đờm, khó thở, thậm chí có thể gây tiêu chảy, đau bụng, nôn…
Trong trường hợp nhẹ, bạn có thể dùng dung dịch sát khuẩn nhỏ mũi cho bé. Nếu tình trạng không tiến triển, phải nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, nhất là khi bé có dấu hiệu thở nhanh hoặc bé thở co lõm lồng ngực. Dấu hiệu thở nhanh là nhịp thở của bé, từ 50 lần/phút trở lên (với bé 2 tháng đến dưới 12 tháng), 40 lần/phút trở lên (với bé từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi). Bé thở co lõm lồng ngực, nghĩa là khi hít vào, phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào thay vì nở ra như bình thường.