Tại sao cái con… nhỏ xíu lại nguy hiểm đến vậy?
Nhiều người khi đưa con về vùng thôn quê chơi, chỉ e ngại nhất là rắn rết. Còn lại, những con vật be bé, kiểu như ruồi, muỗi, kiến… nếu lỡ “dính chấu” phải vài vết cắn đốt thì cho đó chỉ là chuyện bình thường.
Mẹ không nên chủ quan khi nghe bé báo bị côn trùng cắn. (Ảnh minh họa)
Thậm chí, có bé khi chạy tới méc mẹ rằng mình bị cắn, đốt thì chỉ nhận được một lời dặn dò qua loa: “Ừ, con lấy chai dầu bôi vào đi”. Thực tế, không phải con gì cắn cũng nên… bôi dầu. Khi bị côn trùng cắn đốt, cơ thể có thể phản ứng từ mức độ vừa đến mức độ dữ dội với các kháng nguyên từ lông, ngòi hay vết cắn của côn trùng đưa vào người.
Nhẹ thì nảy sinh tình trạng ngứa ngoài da. Nặng hơn, vết đỏ nơi bị cắn có thể sưng phù. Đặc biệt với một số trường hợp như khi bị ong vò vẽ, kiến độc đốt, có thể đưa đến tình trạng sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng. Một điều nữa cần chú ý là các phản ứng này có khi xảy ra tức thời (ví dụ bị côn trùng cắn, đổ xong thấy ngứa ngay), nhưng cũng có thể diễn ra chậm hơn, trong vòng từ 24 – 48 giờ sau khi bị cắn, đốt (ví dụ đến lúc đó mới thấy vết thương sưng to). Vì vậy, mẹ không nên chủ quan khi nghe bé báo bị côn trùng cắn, đốt và liền sau đấy chưa thấy dấu hiệu gì đáng ngại. Cần tiếp tục theo dõi các biểu hiện của cơ thể có hướng xử trí kịp thời khi xuất hiện việc sưng phù nổi mụn nước… sau đó.
Khi được bé thông báo, bạn chỉ thấy vết đốt nhỏ. Lúc này, nên theo dõi sát sao, hỏi kinh nghiệm của những người dân địa phương (xem có thể đoán ra vết đốt, cắn do con gì gây nên). Bạn cũng cần biết rằng, muỗi thường cắn ở mặt, tay, chân; các loại ve thường cắn ở cẳng chân; rệp thường cắn ở cổ, thân người… Việc biết chính xác con gì cắn hoặc bắt giữ được côn trùng đã cắn, đốt… có thể giúp bác sĩ rất nhiều trong trường hợp nghiêm trọng, để bác sĩ có hướng chẩn đoán và điều trị chính xác hơn.