Con trai em năm nay đã 5 tuổi. Ban ngày, bé vẫn chơi bình thường, không ho nhưng đến đêm lại bị ho, ho theo từng cơn. Đặc biệt là những hôm thời tiết chuyển mùa, bé càng ho nhiều hơn vào tầm 3 – 4 giờ sáng. Em phải làm gì để giảm bớt cơn ho lúc về đêm cho con, thưa bác sĩ?
Nguyễn Linh Đan (quận Phú Nhuận)
Chào bạn!
Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, mưa nắng thất thường, độ ẩm cao. Đây chính là điều kiện cho các chứng bệnh về hô hấp phát triển, trong đó có chứng ho về đêm. Ho không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh. Trẻ bị ho về đêm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nguyên nhân
– Ban ngày, khi bé đang ở trong tư thế vận động nhiều nên chất nhầy sẽ dễ dàng thoát ra ngoài. Nhưng ban đêm, khi ngủ, các chất nhầy ứ đọng ở cổ kích thích ho.
– Bị cảm lạnh hoặc viêm mũi xoang cũng có thể là lý do khiến trẻ ho về đêm. Bởi lẽ, đờm nhầy từ mũi xoang chảy xuống họng sẽ khiến bé bị ho khi ngủ.
– Nếu bé bị ho về đêm hoặc ho lúc ngủ trưa, sặc từng cơn dẫn đến nôn trớ, đây là triệu chứng của ho do trào ngược dạ dày, thực quản.
Cách chăm sóc bé bị ho đêm
– Thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9%. Hạn chế cho con ăn uống sát giờ đi ngủ.
– Trước khi ngủ, cho con uống 1 thìa mật ong ấm sẽ làm dịu cơn ho và ngủ ngon hơn. Mẹ có thể hấp mật ong với quất, mật ong với lá húng chanh hoặc lá hẹ rồi chắt lấy nước cho con uống ngày 3 – 4 lần. Lưu ý, mật ong chỉ áp dụng cho bé trên 1 tuổi.
– Khi ngủ, hãy kê cao gối cho con, phần đầu và vai cao hơn phần thân để ngăn đờm nhớt và nước mũi ứ đọng ở họng.
– Giữ ấm cho trẻ, mặc quần áo dài khi ngủ, không để hở bụng, hở tay chân.
– Hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, khói thuốc lá…
– Khi tình trạng ho đêm kéo dài hơn 5 ngày, kèm theo các triệu chứng như sổ mũi, khó thở, đau bụng, bố mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.