Bé bị chấn thương trước hoặc trong quá trình vượt cạn cũng là yếu tố khiến đầu trẻ dễ bị bẹp, méo. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân khiến đầu trẻ sơ sinh dễ bị méo là do hộp sọ còn rất mềm, việc để trẻ nằm quá lâu ở một tư thế sẽ làm ảnh hưởng đến hình dạng đầu. Méo đầu ở trẻ sơ sinh còn do đầu của bé bị nghiêng sang một bên khi còn nằm trong bụng mẹ. Ngoài ra, bé bị chấn thương trước hoặc trong quá trình “vượt cạn” cũng là yếu tố khiến đầu trẻ dễ bị bẹp, méo.
Cách nắn đầu cho trẻ sơ sinh
Bố mẹ nên thường xuyên điều chỉnh tư thế ngủ của trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa)
– Bố mẹ nên thường xuyên điều chỉnh tư thế ngủ của trẻ sơ sinh bằng cách xoay đầu bé sang bên phải ở giấc ngủ này và để đầu bé xoay bên trái ở giấc ngủ tiếp theo hoặc ngược lại.
– Có thể đặt bé nằm sấp một lúc để cải thiện tình trạng bẹp đầu. Tuy nhiên, ở tư thế này đòi hỏi phải có sự giám sát của người lớn và không được để bé nằm sấp quá lâu. Vì đây là tư thế có thể gây ra chứng đột tử ở trẻ sơ sinh khi ngủ.
– Trường hợp trẻ thường xuyên nằm nghiêng về một bên, mẹ có thể lấy khăn hoặc các vật dụng mềm khác chèn ngay phía dưới gối để bé buộc phải nghiêng về hướng khác. Phương pháp này nhằm giữ đầu bé luôn được tròn.
– Nên hạn chế để bé nằm võng hoặc ngồi trong xe đẩy.
– Tuyệt đối không dùng tay xoa nắn đầu trẻ, việc massage sẽ không mang lại hiệu quả vì đây là sự biến dạng thuộc về cấu trúc xương của phần xương sọ.
Cách nắn đầu trẻ sơ sinh khắc phục tình trạng bị méo, bẹp đầu trên đây chỉ có tác dụng đối với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi. Còn đối với những trẻ lớn hơn thì bố mẹ nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng để được thăm khám cũng như có hướng điều trị thích hợp.
Cách phòng tránh bẹp đầu ở trẻ sơ sinh
Để phòng tránh tình trạng bẹp đầu ở trẻ sơ sinh, các mẹ cần lưu ý những điều sau:
– Mẹ nên thường xuyên cho bé thay đổi tư thế ngủ, cả ban ngày lẫn ban đêm.
– Mẹ có thể dùng gối lõm dành cho trẻ sơ sinh để giữ đầu bé ở giữa, tránh nằm lệch về một phía. Lưu ý, mẹ không được dùng dụng cụ định vị đầu bé vì chúng có thể làm tăng nguy cơ đột tử.
– Trong khi bú, mẹ nên đổi bên thường xuyên để làm giảm áp lực lên bầu ngực và hạn chế tình trạng bẹp đầu cho bé.
– Tránh để bé nằm võng, ngồi trong ghế nôi, xe nôi hoặc địu lưng quá lâu. Đặc biệt là lúc trẻ có xu hướng ngả đầu về một bên khi ngồi.
– Trong khoảng ba tháng đầu sau khi sinh, nếu bé bị bẹp đầu, mẹ nên kiên trì xoa nhẹ nhàng đầu bé hàng ngày theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh làm ảnh hưởng đến não bộ của bé.